Hiệp hội này có tiền thân từ Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống Việt Nam, trực thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), được thành lập từ năm 2016.
Đến tháng 5/2017, Câu lạc bộ hình thành Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam, tập hợp 17 thành viên là các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, các nhà khoa học, chuyên gia hiểu về nước mắm. Đến 3/9, Ban vận động đã nhận được giấy phép thành lập từ Bộ Nội vụ.
Hiệp hội hiện có 117 hội viên, 87,2% là hội viên doanh nghiệp đến từ 20 tỉnh thành. Mục tiêu của hiệp hội là đoàn kết các đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống để tạo tiếp nói chung, cùng hỗ trợ nhau quảng bá thương hiệu và khai thác thị trường xuất khẩu.
Bà Vũ Kim Hạnh, Thành viên Ban vận động, cho biết hiệp hội này đã đề ra tiêu chí công nhận hội viên để đảm bảo tính "truyền thống" như độ đạm tối thiếu, khung giới hạn các chất điều vị được phép sử dụng. Về dài hạn, hiệp hội sẽ thống nhất bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống cho các hội viên.
Theo Hiệp hội, Việt Nam đang là quốc gia sản xuất nước mắm truyền thống hàng đầu thế giới, với công suất 170-180 triệu lít mỗi năm. Tuy nhiên, nước mắm truyền thống hiện chỉ chiếm 30% thị phần tại Việt Nam.
Những làng nghề nước mắm của Việt Nam từ Nam ra Bắc với nhiều công thức ủ chượp và chưng cất cho ra những loại nước mắm khác nhau. Nhiều thành viên trong hiệp hội đã thành công đưa nước mắm truyền thống lên Amazon và siêu thị ở nhiều quốc gia. Công nghệ hiện đại cũng được áp dụng trong nhiều hãng xưởng sản xuất nước mắm là thành viên của hiệp hội.
Tuy nhiên, nước mắm truyền thống nhìn chung đang chịu sự cạnh tranh lớn của nước chấm công nghiệp bởi yếu tố giá cả và khẩu vị. "Giá cả là rào cản đầu tiên của nước mắm truyền thống. Người tiêu dùng giờ cũng đã hiểu biết rõ về nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Tuy nhiên, lựa chọn mua sản phẩm nào còn tùy theo túi tiền của họ", bà Ông Thị Kim Ngân, Phó giám đốc kinh doanh Nước mắm Thanh Hà, nhận xét.
Dỹ Tùng