TP Bến Cát được thành lập trên cơ sở thị xã Bến Cát, rộng 234,35 km2, dân số gần 364.600, gồm 7 phường: An Điền, An Tây, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa và xã Phú An. Thành phố này giáp TP Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và TP HCM.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định nâng xã An Điền và An Tây lên phường. Như vậy, tỉnh Bình Dương hiện có 4 huyện và 5 thành phố, là địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước.
Trình bày tờ trình trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bến Cát là một trong 5 đô thị quan trọng của Bình Dương, động lực tăng trưởng phía bắc của vùng TP HCM. Khu vực này phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, vùng bảo vệ cảnh quan dọc sông Sài Gòn, Đồng Nai và nông nghiệp ngoại vi.
Định hướng đến năm 2030, Bến Cát là đô thị công nghiệp - dịch vụ; đến 2040 là trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông; có hệ thống giao thông đường bộ phát triển mạnh, kết nối thông suốt với các tuyến đường trọng điểm, các khu công nghiệp, đô thị phía nam của tỉnh.
TP Bến Cát có 8 khu công nghiệp và một khu sản xuất tập trung, giải quyết việc làm cho khoảng 180.000 lao động. Tổng thu ngân sách năm 2022 của thị xã đạt hơn 2.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 89,4 triệu đồng/năm; thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói việc thành lập thành phố Bến Cát phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, TP Bến Cát có một số tiêu chuẩn về chất lượng đô thị còn thấp như đất xây dựng công trình dịch vụ - công cộng; số lượng cơ sở y tế trên 10.000 dân; tỷ lệ cấp điện sinh hoạt; diện tích đất cây xanh...
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền của tỉnh Bình Dương bám sát các kế hoạch, lộ trình. UBND tỉnh Bình Dương ưu tiên đầu tư, xây dựng theo quy hoạch để bảo đảm mục tiêu phát triển đô thị, đến năm 2025 đưa các tiêu chuẩn nói trên đạt mức tối thiểu trở lên theo yêu cầu.
Thành lập TP Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang
Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập TP Gò Công trên cơ sở thị xã Gò Công, diện tích 101,69 km2, dân số 152.000. Thành phố giáp huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và tỉnh Long An.
Một số đơn vị hành chính tại TP Gò Công cũng được sắp xếp lại, trong đó nhập toàn bộ diện tích, dân số của phường 4 vào phường 1; nhập phường 3 vào phường 2. 4 xã tại TP Gò Công được nâng lên phường gồm Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng và Long Thuận.
Sau khi sắp xếp, TP Gò Công gồm 7 phường: 1, 2, 5, Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận và 3 xã Bình Đông, Bình Xuân, Tân Trung.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết thị xã Gò Công nằm trên trục hành lang kinh tế phía Tây Nam, là trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, thương mại - dịch vụ, kết nối vùng TP HCM với đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này ưu tiên phát triển kinh tế biển, các khu - cụm công nghiệp, cảng tổng hợp ven biển, vận chuyển biển; phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch biển.
Năm 2022, tổng giá trị sản xuất của thị xã Gò Công đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tỷ trọng các ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng đạt 81%; tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,54%; tổng thu ngân sách 706 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 66,34 triệu đồng.
Bà Trà cho rằng việc thành lập thành phố Gò Công trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công là cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế, quy hoạch, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương.