Thanh Lam nghẹn ngào khóc khi được hỏi về cảm tưởng thực hiện đêm nhạc cho cha. |
Sau vài lần vấp giọng vì run, Thanh Lam mới bày tỏ được cảm xúc của mình: “Tôi không thể nói gì để diễn tả được niềm hạnh phúc khi hoàn thành đêm nhạc tôn vinh cha mình. Chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để làm được món quà lớn dành tặng cho cha”.
Tuy là một nhạc sĩ tên tuổi với hàng trăm ca khúc nổi danh, Thuận Yến chưa từng có một live show riêng nào, ngoài sự xuất hiện trong “Con đường âm nhạc” số 11 cách đây 3 năm. Thêm vào đó, ở tuổi 75, nhạc sĩ của Màu hoa đỏ mắc chứng Alzheimer nên quên dần những điều xảy ra trong cuộc sống. Chính bởi điều này, Thanh Lam muốn làm một đêm nhạc cho cha, vừa để động viên tinh thần ông, vừa để Thuận Yến thỏa lòng với cuộc chơi âm nhạc của đời mình khi ông vẫn còn cảm nhận được. Dồn sức cho “Tình yêu không lời”, “người đàn bà hát” không chỉ chú tâm vào ca khúc như công việc của người ca sĩ mà còn phải lo toan những công việc bộn bề của người tổ chức, từ tìm tài trợ, chọn bài, chọn bản phối, tìm ca sĩ…
10 năm nay, khán giả quen với một Thanh Lam mạnh mẽ, đầy lửa trên sân khấu. Vậy mà trong đêm nhạc của cha, Lam đã cân bằng được chị của ngày nay với cái thời “Mây trắng bay về” để cất lên một chất giọng vừa nồng nàn da diết, vừa trữ tình, bay bổng. Có mặt trong 7 trên 19 ca khúc, Lam biến hóa liên tục cả về trang phục lẫn phong cách. Khi là chiếc áo dài đơn giản phù hợp với bài hát đậm tính dân tộc Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc song ca cùng Khánh Linh, khi lại quý phái, gợi cảm trong chiếc váy đen cầu kỳ đi kèm khăn lông dài chấm đất đối chọi với bộ đồ trắng của Tùng Dương trong Chia tay hoàng hôn. Khi hào hùng, da diết, khi cháy bỏng, khi đàn bà và nhí nhảnh, Lam tung hết nội lực của mình để cất lên câu nói yêu cha, điều mà chị không bao giờ bộc lộ thành lời.
Thuận Yến cùng vợ, con dâu và cháu đích tôn ngồi ở hàng ghế thứ 2 theo dõi chương trình với nụ cười hạnh phúc. |
Trong khi Thanh Lam thả sức chinh phục sân khấu, Trí Minh - cậu con trai có phần lặng tiếng của Thuận Yến - dồn tâm vào việc chơi đàn bên góc phải sân khấu, nơi ánh đèn màu ít rọi tới. Tình cảm giữa hai người đàn ông thường ít bộc lộ bên ngoài, không giống như sự ưu ái thấy rõ của cha dành cho con gái. Trí Minh thể hiện tình yêu không lời với cha qua công sức anh bỏ vào những bản phối. Tất cả đều mới, đều hiện đại phù hợp với hơi thở cuộc sống nhưng không khiến những khán giả đã quen nghe nhạc Thuận Yến bị choáng váng. Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc được đệm bằng piano, giảm hầu hết những nét bi ai, chỉ còn lại sự hào hùng. Tình yêu không lời được remix theo phong cách nhạc dance, giảm chất e ngại, ngượng ngùng chỉ còn thấy cái ào ào, thác đổ trong dòng chảy tình cảm mãnh liệt của những đôi tình nhân thế kỷ 21.
Người nghệ sĩ còn lại trong gia đình Thuận Yến, người vợ luôn ở phía sau những thành công của chồng, người đàn bà là cảm hứng cho những sáng tác bất hủ: Chia tay hoàng hôn, tình yêu không lời, Tiếng đàn thập lục… không biểu diễn nhưng cũng xuất hiện trên sân khấu. Nghệ sĩ đàn thập lục Thanh Hương kể những câu chuyện về người đàn ông đã bên mình hơn 40 chục năm qua. Bà xúc động hồi tưởng lại rằng, Thuận Yến đã để ý đến mình từ năm 16 tuổi. Khi ấy, bà nghĩ, nhạc sĩ là những người rất nghèo, rất khổ, không vợ con. Thấy Thuận Yến học giỏi lại chữ đẹp, Thanh Hương thương lắm. Bà muốn góp phần vào cuộc đời ông, để ông bớt khổ dù khi ấy “Thuận Yến gầy và xấu lắm”. Bà kể lại kỷ niệm khó quên nhất “Năm 1968, đoàn văn công chúng tôi chia làm ba mũi tấn công vào Huế. Ngày Tết, tôi nhận được bức thư chồng viết Em thân yêu, anh vẫn còn sống”. Nhìn nghệ sĩ Thanh Hương trên sân khấu, người ta nhớ ngay đến nhan sắc Thanh Lam. Chị may mắn thừa hưởng dung mạo của mẹ và tài năng của cha để cùng với sự nỗ lực của mình, Lam trở thành một của showbiz Việt.
Nghệ sĩ Thanh Hương thay chồng lên sân khấu giao lưu với khán giả. |
Góp sức cùng Thanh Lam làm lên thành công của “Tình yêu không lời” là các ca sĩ: NSND Trung Đức, Anh Thơ, Tùng Dương, Đàm Vĩnh Hưng, Khánh Linh. Lần đầu tiên, hai thế hệ ca sĩ ở hai trường phái khác nhau cùng đứng trên sân khấu một chương trình, thể hiện hai giai đoạn sáng tác của Thuận Yến: "Bác Hồ - chiến sĩ" và "Tình yêu đôi lứa". Lần đầu tiên, Tùng Dương ép chất ma quái của mình xuống để dung hòa với giọng ca cũng đã được hạn chế tối đa chất khàn, điên của Đàm Vĩnh Hưng trong Đợi chờ. Lần đầu tiên họa mi Khánh Linh hát nhạc Thuận Yến và cũng lần đầu tiên Anh Thơ song ca với Trung Đức trong Gửi em ở cuối sông Hồng. Nói về việc mời Anh Thơ - Trung Đức hát Hương Tràm và Thì thầm với dòng sông thay cho Thanh Hoa và Thu Hiền, hai gương mặt đã từng thành công với hai bài hát này, Thanh Lam cho biết, chị muốn mang đến chút không khí lạ cho một bài hát quen.
Không sang trọng, lộng lẫy, không diêm dúa với rèm, khung trang trí, không dàn nhạc hoành tráng, không các màn múa cầu kì, chỉ chú trọng vào giọng hát, đêm nhạc Thuận Yến giản dị và mộc mạc như không khí trong một gia đình. Live show diễn ra đúng như những gì Thanh Lam đã mong đợi trước đó: “ Tôi tin “Tình yêu không lời” có sự lắng đọng tinh tế mà những live show thị trường khiến khán giả choáng ngợp thị giác bằng quần áo và ánh sáng không có. Tôi nghĩ bố tôi sẽ rất tự hào khi thấy con gái hát, con trai đàn, một niềm ngọt ngào mà ít ai có được”.
Nhân vật chính, nhạc sĩ Thuận Yến không lên sân khấu nhưng không vì thế, ý nghĩa đêm nhạc bị giảm bớt. Trái với lo lắng của Thanh Lam rằng ông có thể ngủ giữa chừng theo thói quen thường ngày đi ngủ vào lúc 20h, Thuận Yến liên tục mỉm cười và đứng dậy chào khán giả. “Tôi rất hài lòng về đêm nhạc. Một chương trình hay và vừa vặn. Thanh Lam và các ca sĩ khách mời đều hát tốt và chọn bài rất đúng” - Thuận Yến hạnh phúc chia sẻ về đêm diễn không còn ghế trống trong khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội.
|
Bài và ảnh: Ngọc Trần