-
15h00
Thanh khoản kỷ lục
Thanh khoản trên sàn TP HCM trước phiên ATC chỉ hơn 7.000 tỷ đồng, nhưng trong ít phút cuối phiên đã nhảy vọt lên 22.709 tỷ đồng khi xuất hiện các lệnh mua thoả thuận của nhà đầu tư nước ngoài tại VHM với tổng giá trị 15.100 tỷ đồng. Tổng khối lượng được sang tay vượt 708 triệu đơn vị.
Đây là phiên có khối lượng giao dịch cao nhất trong lịch sử gần 20 năm của sàn chứng khoán TP HCM và có giá trị thanh khoản xếp thứ hai. Trước đó, phiên 18/5/2018, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua vào một lượng lớn cổ phiếu VHM và đẩy thanh khoản toàn thị trường lên mức kỷ lục là 34.920 tỷ đồng.
Đà giảm của VN-Index tiếp tục kéo dài trong những phút cuối phiên khi tâm lý nhà đầu tư thêm bi quan. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM mất hơn 31 điểm, tương đương 3,6% và chốt phiên tại 832,47 điểm. Bên cầm cổ phiếu chiếm ưu thế hoàn toàn với 291 mã giảm, gấp hơn ba lần số mã tăng.
Rổ VN30 biến động mạnh trong những phút cuối khi nhiều cổ phiếu đồng loạt giảm hết biên độ hoặc tiệm cận mức này, điển hình như CTD, SSI, VHM và VPB. Các cổ phiếu khác cũng nới rộng biên độ giảm lên mức phổ biến trên 3% so với tham chiếu.
Cổ phiếu của STB vẫn ngược dòng thị trường, dẫn đầu danh sách cổ phiếu bluechip tăng điểm khi thị giá tích luỹ thêm 2,1% lên 12.050 đồng. Trong số 5 cổ phiếu duy trì được sắc xanh thì nhóm ngân hàng đóng góp 3 mã, ngoài Sacombank còn có HDBank và Eximbank.
-
14h45
Khối ngoại thỏa thuận 15.000 tỷ đồng cổ phiếu VHM
3 phút trước khi kết thúc phiên ATC, một loạt giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn mã VHM được thực hiện. Từ 14h42 đến 14h44, hơn 201 triệu cổ phiếu VHM được khối ngoại thỏa thuận từ cổ đông nội tại giá tham chiếu 75.000 đồng. Tổng giá trị giao dịch này đạt hơn 15.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên thị trường khớp lệnh, VHM chốt phiên giảm 6,7%, đứng ở mức 70.000 đồng. Thanh khoản kênh khớp lệnh hơn 3,3 triệu cổ phiếu.
-
14h20
Áp lực chốt lời mạnh
Lực bán lớn khiến trên 305 cổ phiếu giảm điểm. Nhiều nhóm cổ phiếu đã xuất hiện tình trạng bán sàn, điển hình như SSI và HCM của nhóm chứng khoán, MSH của nhóm dệt may.
Rổ vốn hoá lớn đang ghì thị trường chung xuống sâu. 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đang lấy của VN-Index hơn 11 điểm và đều là trụ cột trong những phiên trước như VHM, VCB, BID.
Sắc xanh chỉ le lói ở một số cổ phiếu có mạch tăng đột biến gần đây và được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực như ITA, HQC, HBC... nhưng biên độ cũng thu hẹp đáng kể.
VN-Index hiện mất hơn 28 điểm, xuống 835 điểm.
Trước phiên ATC, khoảng 475 triệu cổ phiếu đã được sang tay với giá trị hơn 7.000 tỷ đồng. Khối ngoại cũng nhanh chóng xả hàng khi giá trị bán đã vượt 400 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu vốn hoá lớn như VNM, VIC và MSN.
-
13h30
VN-Index mất hơn 23 điểm
Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM rơi thẳng đứng vào đầu phiên chiều, có lúc mất hơn 23 điểm và xuống sát vùng 840 điểm. Nhu cầu chốt lời quyết liệt là nguyên nhân chính của việc chỉ số lao dốc mạnh.
Sắc đỏ bao trùm thị trường với gần 300 cổ phiếu giao dịch dưới tham chiếu, trong đó rổ VN30 đóng góp 25 mã. Biên độ giảm của rổ này khá lớn, thấp nhất là VIC mất 1,2% và nhiều nhất là MSN mất gần 5%. Thanh khoản rổ này đạt trên 108 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 2.300 tỷ đồng. 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường phần lớn thuộc nhóm ngân hàng và hàng không, như VCB, VJC, BID, TCB, HVN.
Khối ngoại giữ trạng thái mua bán thận trọng. Giá trị mua vào mới khoảng 16 tỷ đồng, trong khi bán ra xấp xỉ 36 tỷ đồng.
-
11h30
VN-Index chốt phiên sáng giảm gần 0,6%
Thị trường giữ nhịp giằng co đến trước giờ nghỉ trưa. Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 0,58% xuống 858,53 điểm. VN30-Index giảm 0,67% xuống 802,38 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 0,38%, trong khi UPCOM-Index vượt nhẹ trên tham chiếu.
Sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo với hơn 200 mã giảm vào cuối phiên sáng, 56 mã đứng tham chiếu và 151 mã tăng. Trong nhóm VN30, 20/30 mã bluechip giảm giá. Giao dịch giằng co khiến Thanh khoản ở mức thấp, chỉ đạt gần 3.900 tỷ đồng trên hai sàn niêm yết.
-
11h05
Cổ phiếu HBC tăng trần
Sau nhịp giảm cuối tuần trước, mã HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã tăng trần trở lại trong phiên sáng. Thị giá của cổ phiếu này đã tăng hơn 45% sau chuỗi phiên tăng liên tục, từ mức 8.760 đồng lên 12.750 đồng.
Con trai ông Lê Viết Hải ứng cử vào ban lãnh đạo Hoà Bình
Lê Viết Hiếu, sinh năm 1992, vừa được lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đề cử vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019-2024 thay một nhân sự vừa từ nhiệm.
-
11h00
Giằng co gần tham chiếu
VN-Index trở lại ngưỡng 860 điểm vào cuối phiên sáng, thu hẹp đà giảm còn 0,3%. Lực cung hạ nhiệt khi các cổ phiếu tiến vào vùng giá đỏ, trong khi lực cầu tham gia bắt đáy mạnh hơn giúp thị trường trở lại cân bằng. Số mã tăng và giảm trên HoSE cũng được thu hẹp, giữ tỷ lệ 16:19. Trong nhóm VN30, 18/30 mã đang thấp hơn tham chiếu.
-
10h30
Nhiều cổ phiếu penny vẫn tăng trần
Trong khi trạng thái chung phân hóa, giằng co gần tham chiếu, nhiều mã thị giá dưới 10.000 đồng vẫn duy trì sắc tím. Đến giữa phiên sáng, FIT, EVG, SJF, HCD, PXT, TSC, HQC trong trạng thái trắng bảng bên bán.
Tính cả phiên sáng nay, mã HQC đã tăng trần phiên thứ 10 liên tiếp. Thị giá cổ phiếu này tăng từ 1.180 đồng lên 2.120 đồng. Thanh khoản có những phiên lên tới hơn 80 triệu cổ phiếu được sang tay.
-
10h20
Khối ngoại bán ròng hơn 40 tỷ đồng
Sau nhịp mua ròng vào tuần trước, khối ngoại quay lại bán ròng trong phiên đầu tuần với giá trị hơn 40 tỷ đồng trên HoSE. Lực bán tập trung vào một số mã bluechip như VNM, VCB, HDB, VIC. Trong khi đó, lực mua chứng chỉ quỹ ETF VFMVN DIAMOND chỉ hơn 1 tỷ đồng.
-
9h50
Sắc đỏ chiếm ưu thế
Thị trường bật tăng ngay sau phiên ATO nhưng xu hướng tích cực không duy trì được lâu. Nhịp kéo lên đầu giờ kích hoạt làn sóng bán ra mạnh, trong khi lực cầu thận trọng khiến các chỉ số đều giảm. VN-Index nhanh chóng lùi về dưới tham chiếu và nới rộng đà giảm khi bên bán nắm quyền chủ động. Đến 9h50, VN-Index giảm gần 1% lùi về ngưỡng 855 điểm. VN30-Index giảm về dưới 800 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng chìm trong sắc đỏ.
Thanh khoản trong đầu phiên sáng đạt hơn 1.700 tỷ đồng. Sàn HoSE ghi nhận gần 200 mã giảm, 68 mã đứng tham chiếu và 105 mã tăng. Riêng trong nhóm VN30, bên bán nắm quyền chủ động với 24/30 mã bluechip về dưới tham chiếu.
Trong nhóm vốn hóa lớn, STB và HDB là hai mã tích cực nhất với biên độ tăng lần lượt là 5,1% và 3,7%. Theo sau là POW, VRE tăng hơn 1%. Ở chiều ngược lại, BID và VJC giảm hơn 2%, SBT, PNJ giảm 1,8%, MWG giảm 1,4%.