![]() |
NSƯT Thành Hội. |
Tốt nghiệp khóa 1 trường Nghệ thuật sân khấu II, hơn mười năm anh đóng vai quần chúng để nuôi dưỡng khát vọng làm nghề. Tới nay, nhắc đến NSƯT Thành Hội, người ta hay nói đến những vai đàn ông đầy tâm trạng, chứa chất nỗi lòng giông bão đằng sau vẻ ngoài cười đùa trong những vở kịch luôn hút khách vì “thương hiệu của sự tử tế”.
Có rất nhiều nỗi niềm đã được đánh thức từ những vai diễn của Thành Hội. Một người chồng, người cha, một người bất đắc chí, một kẻ mang tâm trạng khổ đau...
Vai diễn mới nhất của Thành Hội là bá hộ kiêm tên cướp Tư Chớp trong Bàn tay của trời. So với nguyên tác của NSND Doãn Hoàng Giang, bá hộ Tư Chớp của Thành Hội (dưới bản dựng của Ái Như) “người” hơn và cũng... ác hơn. Một góc sâu thẳm đầy chất người của Tư Chớp được Thành Hội khai thác khá mạnh. Để đến cái kết, luật nhân quả càng khắc sâu. Rằng con người khó lòng thoát khỏi luật trời. Bàn tay của người - nhuốm đầy máu của người khác - không bao giờ có thể thay thế bàn tay của trời - vốn công bằng.
- Đạo diễn Ái Như từng nói anh khó có thể vào loại vai công tử con nhà giàu, phong lưu tài hoa. Anh nghĩ gì về ý kiến này?
* NSƯT Thành Hội: 'Sự tử tế chính là tương lai nghệ sĩ' |
- Tôi thấy Như nói đúng! Tôi chỉ có thể vào vai những nhân vật có con tim không bình thường. Tôi thấy mình không hợp và khó lòng diễn được những vai hào hoa phong nhã, tung tăng.
Vì tôi trưởng thành từ sự nghèo khó nên dấu ấn buồn rất mạnh. Tôi vẫn nghĩ cái nghèo, cái bất hạnh có lợi cho người diễn viên hơn là sự sung túc, đầm ấm. Bởi luôn sung túc, đầm ấm, chưa từng nếm trải những nỗi đau đời thì có lẽ rất khó để đồng cảm với tâm trạng của nhân vật.
- Sao anh lại tự “khoanh vùng” đất diễn như thế?
- Tôi tự biết mình. Thật ra, tôi cũng có thể đóng vai khác chứ. Vai nào cũng có thể đóng được nếu mình hết lòng với nó, tuy nhiên, tôi không thích.
- Vậy thì tại sao anh lại cứ chọn các vai đau khổ thế?
- Bạn đến xem kịch vì cái gì? Mỗi nhân vật mang nặng nỗi niềm chính là một phần tâm hồn của khán giả. Cuộc sống vốn nhiều nỗi buồn mà! Nghệ thuật bắt nguồn từ những nỗi đau. Sâu thẳm trong mỗi người đều có những niềm riêng và trách nhiệm của nghệ thuật nói chung chính là đánh thức những nỗi niềm đó.
- Với "Bàn tay của trời", anh được gì?
- Một vai diễn hay. Và còn những điều khác rất quan trọng: suốt quá trình diễn ra vở, mọi người đều trong ấm ngoài êm, không cãi nhau. Tôi và Ái Như có dịp để nâng đỡ, dìu dắt các học trò của mình, dư luận báo chí và khán giả hết lòng, nhiệt tình ủng hộ.
![]() |
NSƯT Thành Hội (phải) trong vở "Bàn tay của trời". Ảnh: Anh Vân. |
- Đạo diễn Ái Như ấp ủ vở kịch đến hơn 7 năm mới bắt tay vào dàn dựng. Cả êkíp 21 người mất hơn 3 tháng ròng rã để tập kịch. Ái Như đã chăm chút từng li từng tí cho vở diễn. Còn các diễn viên thì chăm chút cho mỗi động tác của nhân vật mình thủ diễn. Tại sao các anh chị kỹ lưỡng như vậy?
- Không biết người khác nghĩ sao, nhưng tôi nghĩ rằng đó là sự tử tế cần thiết và phải có. Tử tế với khán giả cũng là tử tế với bản thân mình, tử tế với nghề nghiệp của mình.
- Kỹ lưỡng như thế, anh (và những cộng sự của anh) sẽ không khỏi thiệt thòi. Anh cảm thấy sao?
- Có buồn lòng, nhưng không nhiều. Vì chúng ta đã chọn việc đàng hoàng tử tế là phương châm sống cho mình nên sự buồn lòng ấy chỉ là thoáng qua. Cái nào cũng có giá của nó.
- Anh phát hiện mình có khiếu diễn kịch từ khi nào?
- Không biết nữa, nhưng từ lớp 10, tôi đã là trưởng khối văn nghệ của trường Tùng Thiện Vương (quận 8, TP HCM). Tôi tự viết kịch bản và tự đóng một vai trong đó. Tôi chuyển thể một đoạn trong Con đường sáng của Hoàng Đạo và đóng vai chánh án.
- Đã có thời gian dài, anh chuyên trị vai “quần chúng đêm mưa”. Khi ấy anh nghĩ gì?
- Buồn. Nhưng chưa bao giờ mất niềm tin. Cũng có lúc thấy mệt mỏi, mất phương hướng nhưng vẫn tin mình sẽ vượt qua thời điểm khó khăn ấy.
- Còn bây giờ, anh đã “đóng đinh” tên tuổi của mình với những vai diễn ấn tượng. Nhưng dường như anh rất kén vai. Anh nói sao?
- Xuất hiện thường xuyên là điều tai hại. Điều đó cũng giống như mỗi năm múa lân một lần thì người ta còn coi. Chứ ngày nào cũng múa lân thì người ta thấy xanh đỏ đã ớn lắm rồi! Lúc nào cũng xuất hiện thì sẽ bị nói dài, nói dai, nói dở. Vấn đề ở đây chính là sự chọn lọc vai diễn.
- Đã kén vai, lại chỉ xuất hiện trong một số loại vai nhất định. Anh nghĩ sao về sự nhàm chán và lặp lại chính mình khi những gã đàn ông của Thành Hội lúc nào cũng trĩu nặng tâm trạng?
- Điều này đòi hỏi khả năng nắm bắt hoàn cảnh quy định của nhân vật. Nắm bắt hoàn cảnh quy định của nhân vật chính là vấn đề sống còn của diễn viên. Sở dĩ có việc diễn vai nào cũng như vai nào chính là vì diễn viên không nắm được điều đó. Cùng thất tình, nhưng anh chàng nhà giàu vào quán bar, uống rượu giải sầu còn anh xe ôm thì phải khác chứ! Anh xe ôm chỉ có chui vào một góc nhà nằm khóc.
- Những lúc “hết pin” sáng tạo, anh làm gì để “sạc”?
- Tôi đọc sách: sách lịch sử, truyện ngắn...
- Còn việc xem kịch của nước ngoài thì sao?
- Tôi không có may mắn xem kịch của nước ngoài ngoài thực tế. Cũng có mua đĩa nhưng thường là những vở đã cũ. Và, nói thật, tôi rất dốt ngoại ngữ.
Tôi không ngại khi “tiết lộ” chuyện này. Không biết thì tôi nói không biết. Giấu dốt rất nguy hiểm vì mình không thể cứ ôm cục dốt mãi được. Học trò của tôi sợ tôi vì điều đó. Tụi nó hỏi tôi câu nào, nếu không biết tôi sẽ hẹn lại và đến khi tìm được sẽ trả lời.
- Cũng như lần anh đã bỏ đến 2 tháng để tìm câu trả lời cho từ “cửa võng” trong bài thơ "Lá diêu bông" của Hoàng Cầm...
- (Cười) Học trò hỏi "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng", vậy "cửa võng" là cái gì? Tôi đâu có biết. Phải mất hơn 2 tháng, lúc tôi kêu đứa học trò lên để trả lời, nó còn hổng nhớ nổi đã hỏi tôi cái gì.
- Anh rất yêu nghề dạy học. Anh tìm được niềm vui nào từ đó?
- Vui chứ. Vui nhất là thấy học trò mình trưởng thành. Như khi đọc báo, thấy các bạn khen Quốc Thịnh (trong vai Đức, vở Bàn tay của trời), tôi thấy vui lắm. Tôi cũng rất nghiêm khắc. Đánh nữa. Đứa nào hư là tôi đánh. Nhưng các em rất thương tôi.
(Theo Thanh Niên)