Jay Speights bắt đầu công việc tìm lại tổ tiên từ mong muốn của người cha. "Trước lúc chết ông bảo tôi hoàn thành công việc mà ông đang dở dang", Jay Speights, một mục sư ở bang Maryland nói. Ông sống trong một căn hộ bình thường và thậm chí không có xe hơi.
Hầu hết người Mỹ gốc Phi là hậu duệ của nô lệ. Rất ít tư liệu cho phép ông Jay xác thực về nguồn gốc của mình. Tháng 4/2018, ông làm xét nghiệm ADN với hy vọng tìm một chút gốc gác. Nhiều đêm vợ bảo ông tắt iPad lên giường, Jay Speights vẫn miệt mài mày mò trên các trang ADN.
Đến một ngày ông tìm ra mình có quan hệ họ hàng xa với người đàn ông tên Houanlokonon Deka - hậu duệ của dòng dõi hoàng gia ở Bénin, một quốc gia nhỏ, năm xưa từng là cảng nô lệ lớn nhất Tây Phi. Kết quả cũng hiển thị Jay có ADN hoàng gia. Nhưng ông không biết làm thế nào để liên lạc với người đàn ông ở bên kia đại dương.
Cơ duyên đến khi một linh mục từ đất nước Bénin đến thăm chủng viện mới của Jay. Ông đã đưa kết quả ADN của mình ra cho người này xem. "Tôi biết vua của ngài là ai", người đàn ông ấy nói. "Đây là số điện thoại của ông ấy".
Ông Jay gọi nhưng đầu dây bên kia quốc vương Kpodegbe Toyi Djigla gác máy. Lần thứ hai, nhà vua chuyển điện thoại cho hoàng hậu Djehami Kpodegbe Kwin-Epo, người biết tiếng Anh. Vua và hoàng hậu của mình đang cai trị Allada, một tiểu bang ở miền trung Bénin, nơi từng là thủ đô của vương quốc Allada thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ 17.
Cuộc trò chuyện suôn sẻ. Hoàng hậu đưa Jay một địa chỉ email. Jay gửi tất cả các tư liệu về gia đình mình. "Khi hoàng hậu hồi âm là 4 giờ sáng. Trong thư người viết: "Ngài là hậu duệ của vua Deka, vị vua thứ 9 của Allada, người trị vì từ năm 1746 đến 1765". Hoàng hậu cũng nói: "Chúng tôi rất vui mừng được chào đón ngài về lại ngôi nhà của mình, hoàng tử".
Jay đọc đi, đọc lại 2 lần mới dám tin là sự thật. Ông lay vợ: "Em yêu, anh là người hoàng tộc. Anh là một hoàng tử". Vợ ông nói "Ok, anh yêu. Em cần dậy lúc 6 giờ sáng".
Tháng 1/2019, Jay Speights bay 36 tiếng đến Bénin. Tại sân bay, hàng trăm người xúm lại chúc mừng người con xa trở lại đất nước. Những bức ảnh ông và gia đình ông được dán trên các biểu ngữ. "Mọi người vỗ tay. Đó là một khoảng khắc không thể tin được. Tôi đã khóc", ông Jay kể.
Khi ông đến cung điện, các nghi lễ bắt đầu. Ông đi vòng quanh cung điện ba lần, để biểu thị sự trở lại. Ông đã đến thăm những ngôi đền cổ và một ngôi làng hơn 1.000 năm tuổi. Ông cũng được làm lễ chính thức trở thành hoàng tử, lúc đó ông khoác một áo choàng ren trắng và được trao vương miện.
"Mọi người đến cúi chào và tôi cúi chào lại. Cứ như thế. Hoàng hậu mới nói: "Hoàng tử, ngài không phải cúi đầu'. Thế là tôi phải đến trường học nghi thức hoàng gia 5 ngày", Jay kể thêm.
Ông còn khám phá qua nhiều địa điểm của đất nước. Một sáng thứ hai, ông nghe tiếng gõ cửa lúc 5h30, bên ngoài có một người lính nói: "Hoàng tử, hoàng hậu gửi những bộ quần áo này cho ngài. Tôi đang ở châu Phi, mặc trang phục của vương quốc tôi, những thứ của gia đình tôi. Cảm giác này thật vô giá", mục sư người Mỹ kể thêm.
Jay ghé thăm cảng nô lệ ở Bénin. Nơi các tàu nô lệ khởi hành vào Đại Tây Dương hướng phía châu Mỹ. Ông cũng thăm lại nghĩa trang nô lệ.
Jay Speights là thành viên đầu tiên của vương quốc Allada và hoàng tộc Deka trở về Bénin, song không phải là hậu duệ hoàng gia đầu tiên được xác định ở Mỹ. Nhờ ADN, ngày càng có nhiều người tuyên bố thuộc dòng dõi Bénin. Điều gì đã xảy ra khiến tổ tiên hoàng gia của Jay Speights và những người khác bị đày đến Mỹ, đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Chuyến đi kết thúc, Jay trở lại Mỹ. Ở đây không mất quá nhiều thời gian, người vợ đã đưa ông trở lại mặt đất. "Bà ấy bảo tôi đi đổ rác. Tôi trở về nhà và không còn là hoàng tử nữa", ông cười nói.
Trăn trở suốt một đời của cha, giờ Jay đã hoàn thành. Ông cũng có thêm nhiều nhiệm vụ mới. Đầu tiên là kết nối với những hậu duệ hoàng gia đang ở Mỹ như mình. Nhiệm vụ lớn hơn nữa là thúc đẩy quảng bá vương quốc góp phần mang lại nguồn nước sạch và điện cho cộng đồng ở Bénin. Ông dự định sẽ quay trở lại Bénin ít nhất mỗi năm một lần.
Hôm 16/1/2020, ông Jay vừa trở về vương quốc tham dự lễ hội Vodun, trong sự chào đón của vua, hoàng hậu và người dân nước mình.
Bảo Nhiên (Theo Washingtonpost, Rare)