UBND tỉnh Thanh Hoá vừa phê duyệt đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Mục tiêu của dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc, thu hút đầu tư thuê môi trường rừng, phát triển đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch. Đề án cũng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương gắn với xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái Pù Luông.
Chính quyền địa phương kỳ vọng sẽ đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái của Thanh Hóa, có tính chuyên nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Đề án dự kiến thực hiện trên diện tích gần 17.000 ha thuộc phạm vi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và kết nối với các xã vùng đệm thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa. Kinh phí dự kiến khoảng 183 tỷ đồng.
Tỉnh Thanh Hoá đặt ra yêu cầu trong thời gian đầu sẽ thu hút được ít nhất hai nhà đầu tư lớn để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng phát triển du lịch trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Khu hành chính tại thôn Pà Ban, xã Thành Sơn sẽ được xây dựng hoàn thiện. Các điểm tham quan, nghỉ dưỡng như thác Canh Chan, hang Kho Mường, đỉnh Pù Luông, suối Già sẽ được mở rộng, kết nối các điểm du lịch khác tạo thành 9 tuyến du lịch nội vùng, 7 tuyến liên vùng và 5 tuyến chạy marathon băng rừng.
Đáng chú ý, đề án sẽ có chính sách hấp dẫn kêu gọi nhà đầu tư thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến cáp treo nối liền khu Trung tâm hành chính đi đỉnh Pù Luông với khu du lịch Cao Sơn, nằm ở độ cao gần 2.000 m thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Cao Sơn được ví như thiên đường, một Sa Pa hay Tam Đảo thu nhỏ ở xứ Thanh bởi vẻ đẹp hoang sơ, yên bình, với ba bản người Thái sinh sống là Son, Bá, Mười.
Chính quyền địa phương yêu cầu, các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải tuân thủ nguyên tắc thân thiện, hài hoà với thiên nhiên, không phá vỡ cảnh quan môi trường. Cụ thể, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được lập các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái.
Trong phân khu phục hồi sinh thái chỉ được lập các tuyến đường bộ phù hợp nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp 4 miền núi.
Đề án cũng quy định chiều cao tối đa của công trình nghỉ dưỡng không quá 12 m, không làm mất quyền sở hữu của nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất, chỉ được xây dựng các công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi, không gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Mục tiêu của đề án đến năm 2025, Pù Luông sẽ đón 16.000 lượt khách du lịch. Đến năm 2030, đón được khoảng 27.000 lượt khách góp phần đạt mục tiêu 370.000 lượt khách đến huyện Bá Thước và khoảng 32.0000 lượt khách đến huyện Quan Hóa, đưa tỷ trọng nguồn thu từ du lịch trở thành nguồn thu chính, tái đầu tư phát triển Pù Luông. Định hướng đến năm 2045, Pù Luông sẽ đón khoảng 50.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Khu bản tồn thiên nhiên Pù Luông nằm phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, có diện tích gần 18.000 ha, cách Hà Nội khoảng 160 km. Là nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người dân tộc Thái, Mường, nơi đây có hệ sinh thái đa dạng gồm rừng rậm, suối thác lớn nhỏ, hang động và núi non xen lẫn những bản làng yên bình và ruộng bậc thang xanh rì mỗi mùa hè.
Thời điểm đẹp nhất ở Pù Luông là mùa lúa chín tháng 5 - 6 hoặc tháng 9 - 10 hàng năm, khi những thửa ruộng bậc thang chuyển từ xanh sang vàng óng ả. Du khách có thể tới Pù Luông bằng xe máy, ôtô tự lái hoặc xe khách.