Nội dung này được nêu tại quyết định của UBND tỉnh Thanh Hoá do Phó chủ tịch Lê Đức Giang ký. Khu đất này có diện tích 456.344 m2 tại xã Đại Lộc, Triệu Lộc (huyện Hậu Lậu, Thanh Hoá), được Công ty TNHH MTV Ô tô Vinaxuki Thanh Hoá, thành viên của Công ty cổ phần Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki (Vinaxuki) thuê của tỉnh Thanh Hoá từ nhiều năm trước. Dự án nhằm mục tiêu phát triển cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô và máy xây dựng nhưng đã đắp chiếu, không triển khai nhiều năm nay.
Trước khi thu hồi, tỉnh Thanh Hoá yêu cầu Vinaxuki Thanh Hoá phối hợp cùng Cục thuế Thanh Hoá giải quyết, xử lý dứt điểm các khoản nợ ngân sách (tiền thuê đất, các loại thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp...) liên quan tới khu đất này.
Lô đất này và tài sản trên đất được hình thành thuộc dự án của Vinaxuki Thanh Hoá đã được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 5 lần rao bán. Ở lần thứ 5 phát mại tài sản, định giá giảm 18% so với ban đầu, còn hơn 36,3 tỷ đồng.

Nhà máy Vinaxuki tại Thanh Hoá hiện bỏ hoang nhiều năm. Ảnh:Lam Sơn.
Trước Vietcombank, tháng 2 năm ngoái, Ngân hàng BIDV thông báo đấu giá khoản nợ gần 1.300 tỷ đồng của Công ty Vinaxuki và Công ty Vinaxuki Thái Nguyên (thuộc Công ty Ôtô Xuân Kiên). Sau nhiều nỗ lực của ông Bùi Ngọc Huyên, chủ tịch HĐQT công ty, đây được coi là dấu chấm hết cho một thương hiệu ôtô Việt, từng mang tới nhiều hy vọng và cả thất vọng cho giới chuyên môn và người tiêu dùng Việt.
Vinaxuki thành lập năm 2005 là một trong hai doanh nghiệp ôtô tư nhân đầu tiên bên cạnh Trường Hải được Chính phủ cấp giấy phép sản xuất ôtô các loại và phụ tùng. Sau giai đoạn hoàng kim 2006-2009, từ năm 2010, họ gặp khủng hoảng, bị yêu cầu bán nhà máy để trả nợ. Đến năm 2015, doanh nghiệp giải thể.
Khu đất rộng hơn 45,6 ha được Vinaxuki Thanh Hoá thuê của tỉnh Thanh Hoá từ năm 2010 để thực hiện dự án cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy xây dựng. Ở thời điểm đó dự án này có quy mô dự kiến hơn 92 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.360 tỷ đồng, với mục tiêu sản xuất những chiếc ôtô "made in Việt Nam" mang nhãn hiệu Vinaxuki. Dự án này đặt mục tiêu sản xuất mỗi năm 15.000 xe tải, 400 xe buýt và 75.000 tấn phụ tùng ôtô các loại. Tuy nhiên, sau hai năm triển khai (năm 2012), nhà máy bắt đầu ngưng trệ, đắp chiếu và bỏ hoang từ đó đến nay.
Nợ chồng nợ, nhà máy đang dần đóng cửa gần hết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) - Bùi Ngọc Huyên đã không ít lần gửi văn bản "cầu cứu" tới Thủ tướng và các cơ quan chức năng.
Chia sẻ với VnExpress trước đây, ông Huyên cho rằng, ở thời điểm năm 2012 -2013 nếu công ty được vay vốn lưu động sản xuất xe tải nặng và xe khách tại Thanh Hóa thì chắc chắn vẫn duy trì sản xuất và đã trả được hết nợ vay ngân hàng. Bởi theo ông, thị trường ôtô năm 2013, đặc biệt nguồn cung xe tải nặng rất thiếu, giá tăng cao, doanh nghiệp nào cung cấp được sản phẩm ra thị trường là thắng.
Để có tiền trả nợ, ông chủ Vinaxuki đã phải bán cả nhà cha cho, nhà của ông ở đường Láng và cả căn nhà của con gái. Trong đơn cầu cứu cách đây 5 năm, ông Huyên đề nghị Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cho doanh nghiệp tái cơ cấu vốn theo cơ chế hợp lý và vay 200 tỷ vốn lưu động hoặc cùng đầu tư để các nhà máy vận hành trở lại; tìm đối tác bán cổ phần, thu hồi vốn trả VAMC và các ngân hàng
Cùng với quyết định thu hồi đất của Vinaxuki Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá giao cho Công ty cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê lại, để tiếp tục thực hiện dự án với hình thức thu tiền thuê đất hàng năm. Thời hạn thuê đất 38 năm (đến ngày 26/10/2059).
Công ty Toàn Cầu chịu trách nhiệm trước pháp luật, và các nghĩa vụ liên quan tới những thoả thuận với Vinaxuki Thanh Hoá về chi trả chi phi đầu tư vào đất còn lại tới thời điểm thu hồi đất. Doanh nghiệp này cũng được yêu cầu lập đầy đủ hồ sơ về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường... trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tiếp tục tiến khai dự án tại khu đất trên.
Nguyễn Hoài