Theo đó, dự án thuộc địa bàn 4 xã huyện Đông Sơn và hai xã huyện Triệu Sơn, một mặt giáp đường vành đai 2.5 phía Tây. Mục tiêu xây dựng khu công nghiệp để đồng bộ cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Diện tích lập quy hoạch hơn 645 ha. Trong đó đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp chiếm gần 70%, còn lại là đất hành chính, công cộng - dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh, mặt nước và giao thông. Các ô đất có chức năng sản xuất công nghiệp được quy hoạch mật độ xây dựng cao, không quá 5 tầng. Khu hành chính bố trí gần lối ra của khu công nghiệp.
Dự án gồm hai phân khu, trong đó khu A gần 380 ha nằm phía Nam tuyến đường từ TP Thanh Hóa đi cảng hàng không Thọ Xuân. Khu B có diện tích khoảng 270 ha nằm ở phía Bắc tuyến đường trên.
Dự án được quy hoạch là khu công nghiệp đa ngành, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hướng đến công nghiệp 4.0. Các ngành nghề được ưu tiên đầu tư gồm điện - điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo, công nghiệp ôtô, xe máy, thiết bị xây dựng, y tế, sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp hỗ trợ. Quy mô lao động trong khu công nghiệp khoảng 30.000-40.000 người.
Tỉnh yêu cầu khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp phải thực hiện đồng thời cả dự án tái định cư. Dự án này dự kiến bố trí ba khu tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng.
Thanh Hóa hiện là địa phương dẫn đầu miền Trung trong thu hút đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, tỉnh có 161 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 15 tỷ USD. Tới cuối 2023, tỉnh này có 1 khu kinh tế và 8 khu công nghiệp tổng diện tích hơn 2.000 ha và 45 cụm công nghiệp.
Tỉnh dự kiến thu hút 30 tỷ USD vốn ngoại đến 2025, trong đó mục tiêu tiếp cận và xúc tiến với 3-6 công ty sở hữu công nghệ gốc thuộc top 500 công ty, tập đoàn xuyên quốc gia. Động lực này được giới đầu tư kỳ vọng giúp bất động sản khu công nghiệp Thanh Hóa phát triển thời gian tới.
Ngọc Diễm