Tại thị trấn Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc), mưa lớn khiến quốc lộ 15A và một số tuyến giao thông bị tê liệt hoàn toàn nhiều giờ. Có điểm ngập sâu đến 80 cm, phương tiện không thể di chuyển. Chính quyền đang tổ chức sơ tán tài sản, hàng hóa cho các hộ kinh doanh trong khu chợ thị trấn.
Tại huyện Quan Sơn, chính quyền phải tổ chức sơ tán 20 hộ dân ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy do lo ngại sạt lở đất. Huyện đang rà soát, theo dõi diễn biến mưa lũ để sơ tán người dân vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Mưa lũ khiến nước các tràn dâng cao, gây chia cắt 5 trong 6 thôn của xã Yên Nhân (huyện Thường Xuân). Rạng sáng 30/8, trận mưa lốc đã giật đổ cột dây cáp, làm sập nhà ông Lương Văn Thanh, may mắn không thiệt hại về người.
Ở huyện Lang Chánh, mưa lớn khiến nước sông và đập tràn dâng cao làm ngập tuyến đường dẫn vào các xã Trí Nang, Giao Thiện, Giao An. Hiện các xã này bị chia cắt với bên ngoài.
Các huyện Thạch Thành, Bá Thước, Yên Định... cũng ngập lụt do nước sông, suối dâng cao. Chính quyền đã phát đi cảnh báo lũ ống, lũ quét trên các sông suối, vùng có địa hình đồi dốc do mưa lớn chưa ngớt.
Trước đó sáng 30/8, xe khách chở 60 công nhân đi làm tại một công ty may ở Khu công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hóa), khi đến đoạn đường liên xã đoạn giáp ranh giữa xã Thành Tiến và Thành Long (huyện Thạch Thành) thì bị mắc kẹt. Sau khoảng 20 phút, được sự hỗ trợ của người dân xã Thành Long, chiếc xe đã di chuyển qua dòng lũ an toàn và tiếp tục hành trình.
Bão Podul hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippines vào tối 26/8. Sáng 28/8, bão vào biển Đông, trở thành cơn bão thứ tư ở vùng biển này. 1-2h sáng 30/8, bão đổ bộ Quảng Bình.
Hoàn lưu trước bão đã gây giông lốc tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) làm 37 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng xuất hiện giông lốc làm tốc mái 41 nhà. Ngoài ra, mưa giông ở TP Hà Nội chiều 29/8 làm một người chết do cây đổ.