Năm 2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành nghị quyết thực hiện chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập của địa phương.
Theo đề án, trong giai đoạn 2023-2025, nơi này dự kiến thu hút 290 bác sĩ gồm 79 bác sĩ trình độ cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp 1-2 và bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc); số còn lại là bác sĩ cho một số bệnh viện chuyên khoa, trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế cơ sở.
Nguồn kinh phí chi trả cho chính sách thu hút trên khoảng 88 tỷ đồng được trích từ ngân sách.
Cụ thể, bác sĩ có học hàm giáo sư nếu về công tác tại cơ sở y tế công ở Thanh Hóa sẽ nhận ngay 1,3 tỷ đồng, phó giáo sư nhận 800 triệu đồng; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II được hỗ trợ 400 triệu đồng... Ngoài ra, tất cả bác sĩ trong diện thu hút được hỗ trợ thêm 24 tháng lương cơ sở, trả từng tháng nếu được tuyển dụng.
Những người được tuyển dụng hưởng chính sách thu hút phải bồi hoàn gấp hai lần tổng kinh phí được nhận nếu không thực hiện đúng cam kết, hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc.
Lãnh đạo tỉnh kỳ vọng chính sách thu hút bác sĩ sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đưa y tế trở thành một trong 5 trụ cột chiến lược phát triển của tỉnh, phấn đấu trở thành trung tâm y tế chất lượng cao khu vực Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên đến nay, các cơ sở y tế công tại Thanh Hóa mới thu hút được 23 bác sĩ, đạt chưa đầy một phần mười kế hoạch. Khu vực thu hút được nhiều bác sĩ nhất là các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và đa khoa cấp huyện với 21 người. Chỉ một người xin về công tác tại trung tâm y tế huyện, khu vực trạm y tế xã cũng tuyển được duy nhất một nữ bác sĩ theo diện thu hút. Hiện không tuyển dụng được nhân sự nào trong nhóm bác sĩ trình độ cao.
Ông Đoàn Nam Hưng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế Thanh Hóa), nói kết quả thực hiện chính sách thu hút bác sĩ "chưa đạt như kỳ vọng" và chắc chắn khó hoàn thành chỉ tiêu tuyển 290 người đến năm 2025.
Theo ông Hưng, mức hỗ trợ cao nhưng chưa thực sự hấp dẫn đối với các bác sĩ có tay nghề cao. Lý do là nhóm này thường ở lại thành phố lớn vì môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, chế độ đãi ngộ tốt hơn nên các tỉnh rất khó thu hút nhóm này. Ngành y tế Thanh Hóa hướng đến nhóm bác sĩ là con em quê hương hoặc những người sắp đến tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng được làm việc, sinh sống gần nhà, nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Sắp tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chính sách thu hút bằng cách phối hợp với các đơn vị tiếp tục công tác tuyên truyền. Đồng thời, các cơ sở y tế công lập cũng nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất để bác sĩ về có môi trường làm việc tốt nhất có thể.
Thanh Hóa hiện có khoảng 3.000 bác sĩ công lập, hơn 1.300 bác sĩ ngoài công lập. Đến cuối năm 2023, tỉnh đạt tỷ lệ 12 bác sĩ trên 10.000 dân, thấp hơn mức trung bình cả nước (12,5 bác sĩ trên 10.000 dân). Dự kiến đến năm 2025, nơi này có nhu cầu khoảng 4.950 bác sĩ, đạt 13 bác sĩ trên 10.000 dân và 95% trạm y tế xã phường có bác sĩ; phục vụ khám chữa bệnh cho dân số hơn 3,8 triệu người.
Năm 2017, HĐND tỉnh từng ban hành nghị quyết thu hút 500 bác sĩ về địa phương công tác, song trong 4 năm 2017-2021 không tuyển dụng được trường hợp nào.
Theo chính sách ban hành năm 2017, bác sĩ công tác ở tỉnh ngoài và bác sĩ tốt nghiệp đại học y hệ chính quy có nguyện vọng về công tác ở Thanh Hóa sẽ được ưu tiên tuyển dụng, hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Cụ thể, bác sĩ có học hàm giáo sư (còn đủ 5 năm công tác) nhận hỗ trợ mức 700 triệu đồng, phó giáo sư nhận 400 triệu đồng; bác sĩ tiến sĩ mức 300 triệu đồng. Các bác sĩ khác nhận hỗ trợ 70-250 triệu đồng tùy vị trí, khu vực công tác. Ngoài ra, tất cả bác sĩ được hỗ trợ 24 tháng tiền thuê nhà với mức bằng một tháng lương cơ sở.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, nghị quyết năm 2017 không khả thi do tiêu chuẩn cao, mức hỗ trợ, điều kiện làm việc không đủ sức hấp dẫn... Do đó, lần điều chỉnh nghị quyết năm 2022, ngành y tế đã đề suất tăng gần gấp đôi kinh phí hỗ trợ và hạ thấp một số tiêu chuẩn tuyển dụng.