Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có báo cáo gửi Trung ương kết quả giải quyết vụ hàng trăm người dân Sầm Sơn kéo về trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh và thị xã Sầm Sơn yêu cầu trả lại bờ biển.

Hàng trăm người dân Sầm Sơn tràn xuống đường, họ nằm, ngồi la liệt nằm phản đối chính quyền thu hồi bờ biển. Ảnh: Lê Hoàng.
Báo cáo nêu rõ, chủ trương chỉnh trang lại bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương nhằm đưa Sầm Sơn trở thành một trong những bãi biển đẹp nhất nước. Việc giải tán bãi đậu tàu thuyền công suất máy dưới 20 CV; đóng mới, mua mới tàu cá khai thác hải sản có công suất từ 30 CV trở lên và di chuyển bến thuyền ra khỏi bãi biển du lịch là "hoàn toàn thực hiện theo chủ trương của Trung ương và phù hợp với xu thế tất yếu của phát triển du lịch".
"Nhưng do nhận thức pháp luật còn hạn chế, do cuộc sống mưu sinh trước mắt và bị một số kẻ xấu lợi dụng, kích động nên từ ngày 29/2 đến ngày 6/3, người dân ở Sầm Sơn đã tụ tập đông người kéo đến các cơ quan cấp tỉnh, thị xã để khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và các hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước", báo cáo nêu.
Để sớm ổn định tình hình, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân, sáng 7/3, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã trực tiếp đối thoại với dân. Sau khi xem xét, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất chỉ đạo giải quyết vụ việc, bước đầu ổn định được tình hình. Cụ thể, các gia đình chưa đồng thuận với chủ trương của tỉnh vẫn khai thác, đánh bắt hải sản và neo đậu như hiện nay. Khi Nhà nước đầu tư xây dựng xong bến mới, đảm bảo về cơ sở hạ tầng thì khuyến khích ngư dân đưa thuyền, bè về neo đậu ở bến mới.
Trong báo cáo cũng nêu rõ, khi cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương, nhà đầu tư chỉ quản lý, kinh doanh dịch vụ trong phạm vi các kiốt, nhà tắm tráng nước ngọt đã đầu tư. UBND thị xã Sầm Sơn sẽ quản lý toàn bộ công trình công cộng như bãi tắm, bãi biển, công viên… Người dân sẽ tiếp tục được đăng ký kinh doanh dịch vụ.
Về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm điểm sâu sắc để rút kinh nghiệm trong thực hiện các nhiệm vụ sắp tới.
Trước đó suốt hơn 10 ngày từ 26/2 đến 6/3, người dân các phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn và xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) kéo về trụ sở UBND tỉnh và Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu chính quyền dành một phần đất dọc khu vực neo đậu tàu thuyền cũ phía Đông đường Hồ Xuân Hương để bà con tiếp tục ra khơi.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trấn an người dân Sầm Sơn tại buổi đối thoại. Ảnh: Lê Hoàng.
Một số ngày cao điểm, hàng trăm người tràn xuống đường, ngồi la liệt trên các con phố ở trung tâm TP Thanh Hóa khiến giao thông tê liệt. Các tuyến Hà Văn Mao, đoạn qua cổng Tỉnh ủy Thanh Hóa, đường Lê Hồng Phong, đại lộ Lê Lợi, đoạn trước cổng UBND tỉnh bị phong tỏa. Cả trăm cảnh sát và dân quân tự vệ được huy động để đảm bảo an ninh trật tự.
Xe buýt lộ trình đi từ hướng thị xã Sầm Sơn về thành phố đều bị yêu cầu dừng hoạt động. Hệ thống loa chính quyền liên tục phát đi thông báo yêu cầu người dân giải tán, nhưng một số vẫn tụ tập.
Ngày 7/3, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã có cuộc đối thoại với ngư dân địa phương. Ông Chiến nhận khuyết điểm trước nhân dân và trấn an họ tiếp tục ra biển bình thường, chính quyền chưa thực hiện phương án thu hồi bến thuyền.
Dự án quy hoạch không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương kéo dài 3,5 km, được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 10/2015. Chính quyền đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu là Tập đoàn FLC. Dự kiến đến trước 15/4, dự án với tổng vốn đầu tư 315 tỷ đồng sẽ hoàn thành để phục vụ du lịch hè 2016. |
Lê Hoàng