Sáng 3/1, Thanh Điền đăng bức ảnh nói về nỗi nhớ vợ, sau 12 ngày bà qua đời. Ông cho biết lúc dọn nhà, tìm thấy dòng di bút bà để lại trong lá thư gửi ông. Bà chép tác phẩm của Rumi - nhà thơ nổi tiếng người Ba Tư sống vào thế kỷ 13, nói về lẽ vô thường ở đời: "Từ khoáng vật chết đi, tôi làm cây cỏ/ Cây cỏ chết rồi, tôi làm thú hoang/ Con thú chết đi, tôi hóa con người/ Dẫu là con người, lẽ nào không chết... Tôi sẽ là hư không, bài ca lên tiếng/ Tôi đi đâu rồi cũng trở về người!". Cuối bài thơ, bà dòng nhắn nhủ chồng: "Đong đầy lưu luyến, một đời không quên".
Thanh Điền nói: "Khi đọc lá thư, tôi rưng rưng, lòng trào lên nỗi xúc động". Ông nhớ sinh thời, bà có thói quen chép những vần thơ tâm đắc ra giấy và đọc cho ông nghe. Bà mê thơ từ thuở nhỏ, cũng tập sáng tác năm 14 tuổi. Sau này, khi đi hát, bà vẫn giữ thói quen viết lách, trở thành soạn giả của nhiều bản tuồng như Bến tương tư, Hoa học trò, Khúc ly hương... Thỉnh thoảng, bà làm thơ về tình vợ chồng, đời sống hàng ngày như một cách viết nhật ký. Những vần thơ đó đến nay vẫn được ông gìn giữ, cất riêng như một phần ký ức.
Từ khi vợ qua đời, ông và người thân thường từ TP HCM đều xuống Nghĩa trang Hoa Viên, Bình Dương để trồng hoa, chăm sóc ngôi mộ. Ông nhẹ nhõm khi thấy bà được an nghỉ cạnh các đồng nghiệp một thời như Giang Châu, Thanh Sang, Hề Sa... Thanh Điền nói: "Vợ chồng tôi tuy xa mặt mà không cách lòng".
Nghệ sĩ thấy an ủi bởi Thanh Kim Huệ mất khi mọi tâm nguyện đã hoàn thành. Theo ông, những ngày cuối đời, chất giọng bà vẫn khỏe nên thu âm các ca khúc rất nhanh, không để lại dự án dang dở. Trước giai đoạn hôn mê, bà từng nhờ chồng thắp nén hương xin Tổ nghiệp cho sớm khỏe trở lại để tái ngộ khán giả. Ông cho biết: "Khi bình tâm trở lại, tôi sẽ làm một dự án nào đó để tiếng hát của Huệ còn vang mãi".
Cuối thập niên 1960, khi về hát cho đoàn Hoa Phượng, Thanh Kim Huệ gặp Thanh Điền - lúc đó là chàng trai đôi mươi. Lần đầu gặp gỡ, ông đã thầm để ý cô đào nhỏ nhắn, chất giọng "ngọt như mía lùi". Ông tìm cách tiếp cận nhưng bà không để ý, đôi lúc còn thấy khó chịu. Một lần đoàn lưu diễn, đi qua sông Hậu (Đồng Tháp), ghe chở Thanh Kim Huệ bất ngờ bị chìm. Thanh Điền đặt bà lên một chiếc trống, tay kia ôm mẹ bà rồi vừa bơi vừa đẩy trống vào bờ. Cảm kích trước tấm lòng của ông, bà dần thương chàng kép cao to, tháo vát trong đoàn. Năm 1975, bà ưng thuận làm vợ ông, một đám cưới nhỏ diễn ra.
Cặp nghệ sĩ cùng vượt sóng gió khi cải lương dần thất thế. Đầu những năm 2000, cả hai đầu tư vào vở Bến tương tư với hy vọng góp sức đưa khán giả trở lại ca cổ. Những suất diễn quy mô được tổ chức ở Nhà hát Hòa Bình, TP HCM, nhưng lỗ nặng vì không bán được vé. Họ bán nhà trả nợ, dắt hai con đi thuê trọ. Cuộc sống dần ổn định, vợ chồng bà lại đối diện cú sốc khi con gái qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Theo đạo Phật từ nhỏ, vợ chồng bà dặn lòng chấp nhận thực tế bởi ai cũng về cõi vô thường. Qua nhiều truân chuyên, họ học được chữ "an", tìm niềm vui trong mọi hoàn cảnh.
Thanh Kim Huệ sinh năm 1954 tại TP HCM. Năm 13 tuổi, bà vào đoàn Kim Chung rồi ký hợp đồng với hãng đĩa Việt Nam, thành công với tuồng Lan và Điệp. Bà tiếp tục thành công với ba bài tân cổ Biển tình, Yêu lầm, Nhớ người yêu cùng nghệ sĩ Minh Vương. Giọng ca thanh thoát, giàu cảm xúc của bà ghi dấu ấn qua các tác phẩm như Chợ Mới (tác giả: Trọng Nguyễn), Rước tình về với quê hương (tân nhạc: Hoàng Thi Thơ, cổ nhạc: Loan Thảo), Đám cưới trên đường quê (nhạc: Hoàng Thi Thơ, lời vọng cổ: Yên Lang)... Bà kết hợp hài hòa, ăn ý với nhiều nam nghệ sĩ như: Minh Cảnh, Minh Vương, Chí Tâm, Tấn Tài, Trọng Hữu, Thanh Tuấn...
Bà và chồng - nghệ sĩ Thanh Điền - vào danh sách 35 gương mặt được Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân hồi tháng 8/2021. Nghệ sĩ qua đời chiều 23/12 cùng năm vì ung thư.
Tam Kỳ