Biểu ngữ chào đón các tín đồ được trang hoàng khắp các quảng trường và ngõ hẻm, trong khi lực lượng an ninh vũ trang đi tuần quanh thành phố cổ, nơi sinh của Nhà tiên tri Mohammed.
"Chúng tôi rất vui", Abdel Qader Kheder, người hành hương đến từ Sudan nói hôm 4/7, trước khi sự kiện chính thức bắt đầu vào 6/7. "Tôi không thể tin nổi mình đang ở đây. Tôi đang tận hưởng từng giây từng phút".
Một triệu người, bao gồm 850.000 người từ nước ngoài, được phép tham dự lễ Hajj năm nay, sau hai năm chính quyền siết chặt số người tham gia do đại dịch. Đây là bổn phận mà người Hồi giáo trưởng thành phải thực hiện ít nhất một lần trong đời, nếu có đủ điều kiện sức khỏe và tài chính. Việc này nhằm minh chứng cho sự đoàn kết của người Hồi giáo, và thể hiện lòng quy phục của họ trước Thượng Đế.
Giới chức cho hay đến ngày 3/7, ít nhất 650.000 người từ nước ngoài đã tới Arab Saudi. Nhưng giới chức hôm 4/7 cấm gần 100.000 người vào Mecca, thiết lập hành lang an ninh xung quanh thành phố linh thiêng. Một quan chức an ninh cho hay 288 người đã bị bắt và phạt vì cố làm lễ Hajj mà không có giấy phép.
Năm 2019, khoảng 2,5 triệu người đã tham gia nghi lễ, bao gồm cầu nguyện trên núi Arafat và "ném đá ma quỷ" ở Mina. Năm tiếp theo, khi đại dịch bùng phát, người nước ngoài bị cấm và tín đồ trong nước bị giới hạn ở mức 10.000 người để ngăn lây nhiễm. Năm 2021, giới chức cho phép 60.000 công dân và cư dân Arab Saudi đã tiêm chủng đầy đủ tham gia.
Năm nay, chính quyền quy định chỉ người dưới 65 tuổi mới được phép hành hương và phải tuân thủ quy định giữ gìn vệ sinh nghiêm ngặt.
Hajj chứng kiến nhiều thảm họa trong những năm qua, bao gồm vụ giẫm đạp năm 2015 khiến 2.300 người thiệt mạng, vụ tấn công năm 1979 của hàng trăm tay súng khiến 153 người chết.
Chiều 4/7, người hành hương che ô tránh cái nắng gay gắt, đổ xô tới cửa hàng lưu niệm và tiệm làm tóc ở Mecca, trong khi những người khác ngồi ăn chung dưới tán cọ trên những con phố gần Masjid al-Haram, nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới và là địa điểm thiêng liêng nhất trong đạo Hồi, được coi là "nhà của Thượng Đế".
Nhiều người mới đến bắt đầu thực hiện nghi thức đầu tiên là đi bộ 7 vòng quanh Kaaba, cấu trúc hình hộp chữ nhật ở trung tâm Masjid al-Haram. Kaaba được xây bằng đá granite, cao 15,2 m, rộng 10,7 m, dài 12,2 m, được phủ lụa đen kiswa thêu chỉ vàng. Đây là cấu trúc mà tất cả tín đồ Hồi giáo hướng đến cầu nguyện, bất kể họ ở nơi nào trên thế giới.
"Lần đầu nhìn thấy Kaaba, tôi đã cảm thấy điều kỳ lạ và bắt đầu khóc", Mohammed Lotfi, người hành hương đến từ Ai Cập, nói.
Người tham gia hành hương trong Masjid al-Haram phải đeo khẩu trang, còn người nước ngoài phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Nhà thờ sẽ được "lau chùi 10 lần một ngày bởi 4.000 công nhân", sử dụng hơn 130.000 lít thuốc khử trùng mỗi lần, theo giới chức quản lý.
Arab Saudi ghi nhận hơn 795.00 ca nhiễm, trong đó 9.000 ca tử vong trên dân số 34 triệu người. Ngoài Covid, thách thức khác với người hành hương là ánh nắng thiêu đốt ở một trong những vùng đất khô hạn và nóng nhất thế giới, nơi nhiệt độ lên tới 50 độ C ở một số vùng.
Nhưng Ahmed Abdul-Hassan al-Fatlawi, người hành hương đến từ Iraq, cho hay không để ý tới cái nóng. "Tôi đã 60 tuổi, vì vậy cảm thấy mệt mỏi do nắng nóng là bình thường. Nhưng tôi đang ở trong trạng thái thanh thản và điều này là tất cả đối với tôi", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)