Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Như Bình 41 tuổi, hiện sống ở Ninh Bình:
Do gia đình chồng có nhiều người làm ăn tốt bên Czech, tôi và anh xã sang đó ngay sau khi kết hôn, năm 1998. Vì có sẵn nền tảng và được người thân hỗ trợ, chúng tôi nhanh chóng mở được cửa hàng, làm ăn thuận lợi.
Ở bên này, gia đình tôi được hưởng các dịch vụ công miễn phí và rất tốt. Về y tế, chúng tôi có một bác sĩ riêng theo dõi sức khỏe định kỳ. Khi có vấn đề nào đó vượt quá khả năng thì họ sẽ giới thiệu vào bệnh viện. Nếu phải điều trị, người nhà không cần đi theo vì mọi việc chăm sóc đều đã có điều dưỡng thực hiện tận tình.
Hai con tôi đều chào đời bên đó và được hưởng nền giáo dục tiến bộ. Ngay từ lớp mẫu giáo, các con đã được rèn các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, tự phục vụ bản thân. Hằng ngày, trên đường dẫn tụi nhỏ ra công viên chơi, thấy con vật, cây cối nào, cô giáo cũng sẽ giới thiệu chi tiết về tên gọi, đặc điểm... Các cháu thỉnh thoảng còn được tới các cửa hàng tại địa phương để nhìn tận mắt, sờ tận tay các loại củ, quả, hàng hóa.
Hằng năm, bọn trẻ được đi dã ngoại trải nghiệm 10 ngày trong rừng sâu để học các kỹ năng sinh tồn như cách tạo lửa, lấy đồ ăn, nước uống, tìm hướng ra khỏi rừng khi bị lạc... Các cháu đều được học bơi miễn phí và có bằng chứng nhận biết bơi trước khi vào cấp một. Lên tiểu học, các con đều được hướng dẫn và cấp bằng chứng nhận biết đi xe đạp... Nói chung, các con được đủ thứ cần thiết để phát triển toàn diện trước khi vào đời.
Tất nhiên, nếu trời Tây chỉ toàn những điều tốt đẹp như thiên đường, có lẽ chúng tôi không nghĩ tới chuyện về nước. Thực tế, để được hưởng các dịch vụ miễn phí, mỗi tháng, chúng tôi phải đóng bảo hiểm y tế tương đương 2 triệu đồng, cộng 2 triệu bảo hiểm xã hội. Việc duy trì các giấy tờ định cư lâu dài cũng tốn kém vô số khoản thuế, phí.
Ngoài ra, sống ở xứ người, dù có nhà cửa đàng hoàng, tôi vẫn luôn có cảm giác mình là kẻ ăn nhờ ở đậu. Nhà riêng của chúng tôi ngay mặt đường, sau lưng có một khu chung cư của người địa phương. Chỉ cần tôi đậu xe hơi chệch một chút hoặc đôi khi tiện tay để rác nhầm vào thùng của bên đó là họ gọi cảnh sát ngay.
Người Việt ở nước ngoài thường chịu khó tằn tiện để mua được xe đẹp, nhà to. Không ít người địa phương thấy thế thì hậm hực vì họ làm cả đời không được như vậy nên lại cho là chúng tôi sang buôn gian bán lận, rồi nhìn bằng ánh mắt thiếu thiện cảm. Đôi lúc bị đối xử không công bằng nhưng vì là xứ của họ, chúng tôi vẫn phải cố nhịn dù trong lòng ức chế.
Nhưng vấn đề khiến vợ chồng tôi suy nghĩ nhiều nhất là về con cái. Bản thân vợ chồng tôi luôn muốn giữ gìn những nét truyền thống và quy định các con khi bước vào nhà là phải nói tiếng Việt. Nếu con quen miệng, đi học về chào bằng tiếng nước ngoài thì bố mẹ nhất định không đáp. Dần dần bọn trẻ cũng hiểu và thực hiện đúng quy tắc đã đề ra.
Tuy nhiên, được sinh ra và thụ hưởng nền giáo dục ở nước ngoài, các con tôi có suy nghĩ, cách cư xử như người bản địa. Vợ chồng tôi lo lắng khi thấy tụi trẻ con lớp 6, 7 thoải mái ôm hôn nhau nơi công cộng. Ở nhà, bố mẹ muốn vào phòng con cái là phải gõ cửa, con đồng ý mới được vào.
Tháng 7/2011, cả gia đình tôi về Việt Nam chơi trong thời gian các con nghỉ hè. Lúc đó, bé lớn học hết lớp 6, bé nhỏ sắp vào lớp một. Ở quê nhà, thấy các cháu nói tiếng quê hương dễ thương, sống tình cảm, biết quan tâm tới bố mẹ, ông bà, chúng tôi lại nghĩ về tình cảnh của mình.
Ở trời Âu, vì phúc lợi xã hội tốt nên thế hệ trẻ hầu như không có thói quen chăm lo cho cha mẹ. Tụi nó tự do, tự lập sống đời mình. Cảnh già của chúng tôi sẽ ra sao? Ngoài ra, không hiểu vì thích ngoại hình hay lối sống phóng khoáng hoặc bởi lý do khác, thế hệ sinh ra ở đây, hầu hết đến tuổi trưởng thành đều thích yêu và kết hôn với người Tây hơn là người Việt. Vợ chồng tôi sợ chỉ thêm vài tuổi nữa, con trai duy nhất của mình sẽ yêu một cô gái ngoại quốc và không chịu về nước nữa. Rồi nó sẽ lấy vợ Tây, sinh con lai và thế hệ sau chẳng còn biết gì về nguồn gốc quê hương, thậm chí chẳng nói tiếng Việt nên không thể hiểu và chia sẻ tâm tư với bố mẹ, ông bà chúng.
Vợ chồng tôi quyết định việc về ở hẳn chỉ trong vòng một tháng sau kỳ nghỉ ở quê nhà, dù khi ấy mới xây lại nhà to và sắm đầy đủ đồ nội thất mới đẹp và cũng chưa kịp bán dãy cửa hàng đang làm ăn tốt ở Czech.
Khi chúng tôi về nước, cô con gái thứ 2 vào lớp một không gặp khó khăn gì. Cậu con trai lớn thì phải học lại lớp 6 vì cháu nói tiếng Việt thạo nhưng đọc và viết không ổn. Thời gian đầu đi học, cháu cũng mang tiếng là "hâm hâm" vì không giống các bạn cùng lứa: sẵn sàng đi vài km giúp người bị lạc, không ngại đứng lên tranh luận với cô giáo... Dù vậy, với bản tính trong sáng, nhiệt tình, năng nổ tham gia các hoạt động xã hội, chỉ thời gian sau là cháu được các bạn và thầy cô quý mến. Tôi vẫn biết ơn Czech đã dạy cho con tôi một nền tảng tốt, giúp cháu dù ở môi trường nào cũng luôn tự tin, không sợ hãi trước điều gì và phát huy được năng lực của mình.
Bản thân vợ chồng tôi khi trở về cũng không bị "sốc ngược" trước các vấn đề ở quê nhà như: đường xá xuống cấp, bụi bặm, khí hậu thất thường, môi trường ô nhiễm, mất an toàn thực phẩm... Ra đi khi đã ở tuổi trưởng thành, chúng tôi hiểu quá rõ và lường hết những điều đó nên không thất vọng mà chỉ thấy ấm áp khi được ở gần gia đình, anh em. Hơn 6 năm nay, chưa khi nào tôi ân hận về quyết định trở về mà chỉ nghiệm ra rằng không ở đâu bằng sống trên đất nước mình, ở gần người thân của mình.
Thực tế, tôi biết có rất nhiều người sau một thời gian khó thích nghi với cuộc sống xứ người cũng trở về quê hương. Nhưng trong số đó, không ít người quay ngược sang, phần lớn là do không tìm được hướng đi đúng trong việc làm ăn nên phải tiếp tục đi làm kinh tế. Vợ chồng tôi khá thuận lợi khi dùng vốn liếng đầu tư xây khách sạn đúng dịp Ninh Bình đang đà phát triển du lịch. Ở quê nhà, có kinh tế ổn định, không phải tốn quá nhiều các loại chi phí, thuế má như bên kia, chúng tôi sống khá thảnh thơi.
Nhiều người nói quay về nước là tôi đã làm lỡ cơ hội thụ hưởng một nền giáo dục tốt của con cái. Tôi không nghĩ vậy. Vợ chồng tôi vẫn tạo điều kiện tốt nhất cho các con học hành. Nếu các cháu muốn và có năng lực thì hoàn toàn có thể đi du học ở các đất nước tiên tiến hơn Czech nhiều. Và khi đó, các con đã có nền tảng truyền thống, hiểu gốc gác quê hương và biết rằng ở quê nhà bố mẹ vẫn đợi và có nhiều cơ hội cho chúng trở về xây dựng gia đình, phát triển sự nghiệp.
Như Bình
* Tên nhân vật đã được thay đổi