Là doanh nhân, khi nhìn lại quá trình trưởng thành, tôi nhận ra những kỹ năng hiện tại của bản thân đều được hình thành nhờ năm bài học sống tưởng như đơn giản do mẹ truyền dạy. Tôi luôn tin rằng các bà mẹ là nhà lãnh đạo tuyệt vời và họ có công cụ, bài học có thể truyền cảm hứng kinh doanh cho con. Bởi lẽ các bà mẹ là những người mang tinh thần lãnh đạo từ việc chăm lo cho cuộc sống của các thành viên đến chi tiêu gia đình.
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Trung Tây Mỹ, là con út trong gia đình bốn anh em. Gia đình tôi không giàu có, mẹ tôi phải làm việc chăm chỉ để nuôi anh em tôi. Khi còn nhỏ, tôi thường theo mẹ đi làm. Năm bài học mẹ dạy đã in sâu trong đầu tôi, dù tôi không quá chú ý nhưng chúng đã giúp tôi hình thành khả năng lãnh đạo và kinh doanh như hiện tại.
1. Làm mọi việc tốt nhất có thể
Mẹ tôi tin rằng mọi đứa trẻ đều phải biết cách tự dọn dẹp, ít nhất là phòng ngủ của mình. Khi còn bé, mẹ luôn yêu cầu tôi phải chịu trách nhiệm với những gì làm ra, từ đống đồ chơi do tôi bày bừa và lớn lên là những quyết định, hành động sai lầm. Từ đó, tôi học được cách sắp xếp cuộc sống, lịch trình cá nhân gọn gàng, khoa học và làm mọi việc tốt nhất trong khả năng của bản thân.
"Tự dọn dẹp" là bài học dạy về khả năng lãnh đạo tuyệt vời. Doanh nhân sở hữu công ty riêng, điều hành nhân viên và chăm lo cho nhu cầu của khách hàng. Đó hẳn sẽ là mớ hỗn độn vô cùng lớn đối với người không có khả năng tự sắp xếp cuộc sống của mình. Mỗi nhà lãnh đạo đều cần tư duy khoa học, khả năng giải quyết vấn đề và nó có thể được dạy từ nhỏ thông qua kỹ năng "tự dọn dẹp".
2. Chuẩn bị là nhiệm vụ quan trọng
Mẹ tôi là công nhân may mặc nên dành rất nhiều thời gian bên máy may của mình. Vì vậy, mẹ tin rằng mọi đứa trẻ đều phải học cách may vá cơ bản. Nhờ bài học này của mẹ, mỗi lần đi công tác, tôi có thể tiết kiệm kha khá thời gian và tiền bạc cho việc chuẩn bị quần áo. Mỗi lần đi xa, tôi đều mang theo hộp đồ may vá thông dụng để kịp thời sửa vết rách trên quần áo hay bị đứt khuy áo.
Bài học này không chỉ giúp tôi biết tự sửa quần áo của mình mà còn nhận ra việc chuẩn bị trước cho mọi hành động đều vô cùng quan trọng. Là doanh nhân, bạn luôn phải nhìn về tương lai, chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra dù là bất ngờ hay được tiên liệu sẵn. Nhà lãnh đạo giỏi sẽ tập trung sự chú ý vào con đường công ty sẽ đi, làm thế nào để đến đó và sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề phát sinh.
3. Tự chăm sóc bản thân
Với bốn con trai, mẹ tôi luôn lặp lại bài học tự chăm sóc bản thân. Chúng tôi được dạy làm công việc cơ bản như giặt, phân loại quần áo. Mẹ muốn trong tương lai, dù bị đặt vào bất cứ hoàn cảnh nào, bốn người con của bà đều có thể tự chăm sóc mình bằng những kỹ năng cơ bản đã được rèn luyện từ nhỏ.
Bài học này có liên quan đến sự phát triển của doanh nhân không? Tôi tin là có. Mỗi doanh nhân phải biết cách tự chăm sóc bản thân vì nếu không tự làm được điều này thì không thể chăm lo được cho người khác. Việc chăm sóc bản thân không chỉ mang nghĩa là biết cách giặt giũ, nấu ăn.
Thông qua việc hình thành khái niệm bảo vệ bản thân, mỗi người sẽ có ý thức về việc chăm lo, quan tâm đến người khác, từ đó hình thành tinh thần trách nhiệm đối với cuộc đời của những người khác có liên quan đến ta. Ví dụ, một doanh nhân có ý thức tự chăm sóc bản thân sẽ thật lòng quan tâm đến phúc lợi và cuộc sống của hàng trăm nhân công dưới tay mình.
4. Mỗi người đều xứng đáng được tôn trọng
Tôi được mẹ dạy về cách đối xử với mọi người xung quanh, đặc biệt là phụ nữ. Nhìn từ người ngoài, mẹ tôi là phụ nữ bình thường, có cuộc sống không mấy khá giả và phải nuôi dạy bốn người con. Nhìn từ phía gia đình, mẹ là người sẵn sàng hy sinh vì con cái và chăm chỉ lao động để dành những điều tốt nhất cho người thân. Mẹ tôi xứng đáng được mọi người tôn trọng. Từ tấm gương của mẹ, anh em tôi nhận ra dù mọi người có hoàn cảnh ra sao đều xứng đáng nhận được sự tôn trọng của người khác và mỗi người đều có lòng tự trọng riêng.
Mỗi nhà lãnh đạo nên nhận ra giá trị của người khác và cùng họ chung tay xây dựng cơ nghiệp. Không có công ty nào có thể vận hành trơn tru bởi một người và chắc chắn sẽ nhanh chóng sụp đổ nếu người lãnh đạo cố gắng tự làm tất cả, phủ nhận giá trị của mọi người xung quanh.
Nhà lãnh đạo giỏi cũng cần học cách tôn trọng nhân viên dưới quyền mình. Trên thực tế, rất nhiều ý tưởng sáng tạo xuất phát từ nhân viên trong công ty chứ không phải ở ban lãnh đạo. Sự đóng góp của mỗi thành viên sẽ tạo nên thành công chung của cả nhóm nên một lãnh đạo giỏi thôi là chưa đủ, một lãnh đạo biết tôn trọng và đề cao nhân tài sẽ càng thành công hơn.
5. Nắm rõ quy trình công việc
Khi còn nhỏ, do cha mẹ bận rộn, bốn anh em tôi được mẹ dạy nấu ăn để đỡ đần gia đình. Bà mua tặng chúng tôi cuốn sách dạy nấu ăn dành cho tất cả mọi người với nguyên liệu vô cùng đơn giản như đồ hộp đóng sẵn. Các công thức nấu ăn này rất có giá trị trong cuộc sống tự lập của tôi, nhưng lời khuyên của mẹ tôi còn ý nghĩa hơn. Đó là mỗi người nên nắm rõ quy trình của công việc.
Việc nắm rõ quy trình sẽ giúp mỗi người hiểu thứ tự diễn ra sự việc, có sự chuẩn bị tốt nhất và biết cách phối hợp nhịp nhàng với các nhóm, các khâu để hoàn thành công việc. Bài học này càng thấm thía hơn khi tôi trở thành doanh nhân, phải nắm rõ quy trình của vô số công việc trong công ty. Vì nắm toàn bộ, tôi nhận ra những điểm mấu chốt cần mọi người dành nhiều thời gian hơn hoặc biết cách rút ngắn quy trình không cần thiết để đạt hiệu quả nhanh chóng.
Tú Anh (Theo YFS Magazine)