Không thể phủ nhận vai trò của hội nghị chuyên ngành trong việc đào tạo các bác sĩ Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhưng với tần suất hội nghị dày đặc mà tôi được mời chỉ trong vòng ba tháng qua làm tôi thật "khủng hoảng".
Hội nghị để làm gì? Hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, để bàn bạc và đưa ra giải pháp cho những vấn đề còn vướng mắc, để kiến tạo những ý tưởng mới hay gặp gỡ... Nó sẽ hiệu quả nếu mang lại cho người nghe lợi ích về mặt kiến thức hay tinh thần.
Tôi mới dự một hội thảo quốc tế cách đây hai tuần tại Hà Nội, được tổ chức trang trọng ở khách sạn năm sao, được phục vụ cà phê và bánh ngọt đầy đủ. Song chỉ có hơn chục người nghe ngồi trong khán phòng mênh mông toàn ghế là ghế. Nhìn cảnh ấy, sự hào hứng ban đầu của tôi, đến để chia sẻ chủ đề mình yêu thích, như bị dội một gáo nước lạnh. Làm sao hăng hái được khi người nghe chỉ lèo tèo như thế. Một người hỏi tôi: “Hội nghị sao vắng thế?”, khi tôi đăng cảnh hội nghị đìu hiu ấy lên trang cá nhân. Tôi thành thật trả lời rằng, như thế đã là đông vì diễn giả mới đọc báo cáo đầu tiên. Đến người diễn thuyết cuối cùng, có khi chỉ còn 2-3 khán giả.
Rồi mọi diễn biến ở hội nghị đó cũng trôi qua. Lần lượt các diễn giả lên trình bày báo cáo, sau đó tới dăm ba câu hỏi của chủ toạ đoàn để "phụ hoạ", hiếm hoi có một câu hỏi từ khán giả. Và rồi, chủ tọa kết luận cuối cùng, rằng báo cáo thật tuyệt vời.
Tôi nghĩ điều này không quá xa lạ với không chỉ riêng tôi. Trình tự diễn biến của rất nhiều các hội nghị ở Việt Nam là: Chuẩn bị khai mạc thì đông đúc, người ta hào hứng tới đăng ký, bắt tay chào hỏi, chụp ảnh, giao lưu; đến giữa buổi thì số khán giả còn khoảng một nửa; và đến cuối cùng, hầu hết khán phòng "vắng như chùa bà đanh". Ai mà bị xếp lên báo cáo ở cuối của hội nghị, hội thảo chắc tủi thân và bối rối lắm. Ở nhiều hội nghị, tôi thấy ban tổ chức phải bày ra sáng kiến bốc thăm trúng thưởng hoặc phát quà vào cuối buổi để giữ chân người tham gia được lâu hơn.
Nhưng rồi, dù có thế nào, chủ tọa sau đó vẫn sẽ chốt lại “hội nghị của chúng ta đã thành công tốt đẹp”. Dự rất nhiều hội nghị lớn nhỏ, tôi chưa thấy có hội nghị nào mà không “thành công tốt đẹp” bao giờ.
Hiệu quả thế nào, có nhất thiết phải tổ chức các hội nghị như thế hay không, chúng ta đều hiểu cả. Vì thế, theo tôi, cần có cách tiếp cận khác trong việc tổ chức hội nghị.
Thứ nhất, nên hạn chế bớt các hội nghị với chủ đề chung chung, trùng lặp, quá gần nhau về mặt thời gian và địa điểm. Và khuyến khích các hội nghị chuyên sâu với cử toạ là những người thực sự có liên quan, thực sự quan tâm, mở rộng phần thảo luận hơn là nghe báo cáo một chiều.
Thứ hai, với thực trạng hiện nay, các nhà tổ chức hội nghị sẽ chỉ chọn những thành phố xinh đẹp để phục vụ mục đích du lịch. Các buổi gala hay tiệc tối hao hao giống những đám cưới ở Việt Nam. Ở đấy "chủ nhà" sẽ vui vẻ vì đã ghi được điểm trong việc tổ chức thành công hội nghị, được “giải ngân” thành công tiền tài trợ, ngân sách cấp cho nghiện cứu khoa học, còn khách mời thì vui vẻ vì đã "trả lễ" và không quên nhắn nhủ lời mời đến hội nghị của mình vào năm tới. Nhưng, chúng ta không thể được phép quên rằng các nhà tài trợ, các hãng dược phẩm, bán thiết bị, dụng cụ y tế, bằng hình thức này hay hình thức khác đều lấy kinh phí để tổ chức hội nghị từ nguồn tài chính kinh doanh của mình. Nói cách khác, đều từ bệnh nhân mà ra.
Ba là, với riêng đặc thù của ngành y, cần yêu cầu các bác sĩ chuyên khoa phải thu thập điểm CME - đào tạo liên tục Y khoa - để duy trì giấy phép hành nghề. Quy chế này Bộ Y tế đã chính thức áp dụng nhưng chưa được nghiêm túc thực hiện. Tức nếu anh tham dự từ đầu đến cuối, trả lời các câu hỏi trắc nghiệm sẽ được cấp điểm CME theo quy định của từng hội nghị chuyên ngành. Các hội nghị không có ý nghĩa giáo dục sẽ không được quyền cấp CME.
Giải pháp để có các hội nghị chất lượng không thiếu bởi chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 nơi mà công nghệ số đã đạt được những thành tựu khổng lồ và Internet có thể giúp ích tối đa cho những người đang cần kiến thức. Khi Internet đã phổ cập đến học sinh cấp một thì những kiến thức được cung cấp theo kiểu bài giảng một chiều sẽ ngày càng không được đón nhận hồ hởi như trước. Những bài thuyết trình của các giáo sư nổi tiếng nhiều khi cũng chỉ có số người nghe trên đầu ngón tay.
Bên cạnh đó, các hội nghị trực tuyến, những phần mềm thảo luận online đang rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của những nhà tổ chức hội nghị “sạch” - không có tài trợ - mà vẫn thu hút được sự hào hứng tham gia của số đông.
Có lẽ những lời mời tôi tham gia hội nghị sẽ bớt đi sau bài viết này. Nhưng điều tôi mong hơn cả là những báo cáo của tôi dù ở đâu cũng sẽ được đón nhận nhiều cánh tay giơ lên để đặt câu hỏi, và cử toạ sẽ được mang về những kiến thức thực sự cần thiết, cho những nghề mà không liên tục cập nhật sẽ bị tụt lại không phanh như nghề Y.
Nguyễn Lân Hiếu