Tác phẩm của Thành Chương. |
Cha tôi là nhà văn Kim Lân, ngoài công việc viết lách thì ông còn có tài vẽ, tài nặn tượng nữa. Ông chơi rất thân với các họa sĩ danh tiếng như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm... Thời kháng chiến, cơ quan văn nghệ cứu quốc đóng ở Nhã Nam (Hà Bắc) và tôi được sinh ra tại đó, năm 1949. Nhìn các cụ vẽ, tôi cũng bắt chước cầm cọ vẽ theo. Bạn bè của bố tôi bảo: "Thằng này có khiếu vẽ đây, dạy nó một chút biết đâu sau này nó sẽ thành tài".
Năm 1954, gia đình tôi chuyển về Hà Nội. Tôi đi học và thường bị nhà trường coi là học sinh cá biệt vì chỉ ham vẽ vời chứ không chịu học hành. Một người bạn của bố tôi quê ở vùng Đông Cảo đem đến cho một cặp gà tồ. Nom chúng rất ngộc nghệch và rất ngố so với loại gà ri, gà tre nhưng chúng lớn nhanh như thổi, to lớn khác thường. Thấy loại gà này có chút gì đó hao hao giống thân phận của mình, tôi liền vẽ chúng và đặt tên là Hai con gà tồ. Bố tôi khen, ông gửi đi dự thi tranh thiếu nhi quốc tế tại Anh và năm ấy tôi được giải vàng đầu tiên. Từ đó trở đi, không có cuộc thi tranh thiếu nhi quốc tế nào mà tôi không gửi tác phẩm và luôn nhận được giải cao.
Ngay từ hồi đi học, tôi đã tự biết thân biết phận rằng, tôi không được mọi người yêu mến như những đứa bạn khác. Tuổi trẻ đứa nào chả nghịch dại? Hồi học Đại học Mỹ thuật, có lần tôi và mấy đứa bạn nữa đi qua nhà dân, ngứa tay bẻ một quả ớt thôi, thế là to chuyện rồi. Họ bảo những đứa cùng đi với tôi: dại dột đi theo đứa đầu têu, từ nay đừng dại thế nữa nhé. Còn tôi thì bị lôi vào kiểm điểm vì tội đầu têu, bị quy là ăn cắp tài sản của công dân, suýt nữa thì bị đuổi học.
Khi đã thành người lớn, tình hình này cũng không được cải thiện mấy. Mặc dù tranh của tôi được nhiều giải thưởng quốc tế, được chọn làm biểu tượng cho Năm quốc tế những người tình nguyện, nhưng tại các cuộc triển lãm trong nước, tôi luôn bị loại ra ngay từ vòng đầu. Mà tôi đâu có kênh kiệu, hợm hĩnh? Ai làm gì, vẽ gì, vẽ như thế nào, tôi chỉ im lặng mà họ vẫn ghét tôi mới lạ chứ. Thấy tôi bán được nhiều tranh quá họ cũng bảo: Thành Chương vẽ vì tiền. Cái dạo khách sạn Daewoo mua của tôi 600 bức, họ cũng ngồi tính hộ cho tôi rằng: bình quân mỗi bức giá 300 USD, Thành Chương thành triệu phú đô la rồi. Đúng là tôi giàu vì bán được tranh, có bức tôi bán mấy trăm hay mấy ngàn USD, nhưng cái vụ 600 bức hoạ ấy thực ra là thế này: người ta chỉ mua 20 tác phẩm của tôi và đem in thành 600 bản, mỗi bản như vậy tôi được 30 USD.
Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình thật may mắn khi được các họa sĩ danh tiếng, bạn của bố tôi, dạy bảo. Họ là những người không chịu đi vào khuôn phép chung, không chịu vẽ những gì nhạt nhòa vô bổ, đến mức không dám ký tên vào mỗi bức tranh của mình. Lúc sinh thời, họ cũng đói khổ như bố tôi, cũng bị nói ra nói vào là học đòi văn hóa tư sản. Khổ quá, họ chỉ cố giữ cái cá tính sáng tạo, cố níu lấy cái đẹp đích thực chứ có mưu lợi riêng gì đâu? Các cụ thường dùng sơn nam với gam màu nâu trầm, ấm áp gần gũi và gam màu trắng ngà, hơi đục thân thuộc chứ không đỏ hắt ra hay trắng nhễ nhại như chúng ta đang làm. Nghĩ ngợi chán cũng chẳng giải quyết được gì, tôi đành dùng cách bảo tồn của riêng mình vậy. Tôi đi mua những bức tượng phật đủ loại, những chiếc án, bức đại tự, cặp liễn, bức mành, bức rèm, khung cửa, đồ bát bửu... về chất đầy nhà. Ngôi nhà của tôi bây giờ giống cái kho chứa đồ cổ, đồ gốm hơn là để sống với vợ con.
Có tiền rồi tôi chẳng biết làm gì hơn là nghĩ cách để tiêu béng nó đi. Nhưng phải tiêu làm sao cho thành một cuộc chơi, đáng mặt dân chơi. Tôi vác tiền lên Sóc Sơn mua 10.000 m2 đất đồi để làm khu nhà nghỉ ngoại ô. Tôi về Nam Định mua một cái nhà gỗ lim bức bàn 5 gian bề thế, lên Hòa Bình tậu thêm một cái nhà sàn của người Mường nữa đem về đó dựng lên chơi. Tôi thấy những chiếc cầu đá ở Hải Hậu, Nam Định rất đẹp liền bỏ tiền mua luôn một cái đem về khu nhà nghỉ cho đủ bộ. Tôi định mua một cây đa cổ thụ ở đâu đó rồi thuê trực thăng cẩu về cho nó có vẻ thôn dã, cổ điển nhưng tiếc là không được vì trực thăng của ta chỉ cẩu được khoảng 5 tấn mà thôi. Cây đa cổ thụ nếu đánh cả vồng đất nữa thì phải lên tới hơn 10 tấn cơ. Thiên hạ kháo Thành Chương chơi ngông tốn vài chục tỷ đồng. Đâu có đắt như vậy, chỉ cần dăm bảy tỷ đồng là chơi thoải mái được rồi. Thực ra, tôi chỉ định kiếm một chỗ đủ rộng để bày những thứ đồ gỗ cổ, đồ gốm cổ mà tôi đã tích cóp được.
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)