- Có người nói anh lạm dụng cái tôi. Là người trong cuộc anh nói gì?
![]() |
Họa sĩ Thành Chương. Ảnh: TTO. |
- Với nghệ sĩ nói chung, trong đó có họa sĩ, đề tài chỉ là cái cớ: Bùi Xuân Phái vẽ phố, Nguyễn Tư Nghiêm vẽ múa cổ... chỉ là cái cớ để họ thể hiện bút pháp, bố cục, tư duy và các quan niệm về nghệ thuật của mình. Tôi vẽ tự họa cũng vậy.
- Tự họa có gì hay để hầu như toàn bộ sáng tác của Thành Chương chỉ xoay quanh đề tài này?
- Trong hội họa, tự họa rất dễ nhưng cũng lại rất khó. Dễ là vì khi vẽ mình thì mình đã quá thuộc tâm tính, con người, đường nét, cấu tạo... của mình rồi, muốn nó tròn méo ra sao cũng mặc.
Trong khi vẽ chân dung người khác, dù thoải mái đến mấy thì vẫn có cái phần trăm là anh phải làm cho người mẫu thích bức vẽ. Và như thế tức là lúc đặt bút anh sẽ bị cảm giác “người mẫu thích hay không” chi phối. Nếu vẽ mình thì đương nhiên sẽ không có cảm giác khó chịu ấy, tóm lại là tự do tuyệt đối.
Nhưng cái khó của tự họa là mặt mình chỉ có thế, không khéo sẽ rất dễ lặp lại. Làm thế nào vẽ hàng trăm cái, thậm chí hàng nghìn cái để không cái nào giống cái nào, mà vẫn ra cái mặt mình là vô cùng khó. Nếu không có nghề nghiệp vững vàng, không có năng lực sáng tạo dồi dào thì chỉ tự họa mươi bức là không biết vẽ cái gì nữa.
- Trong suốt quá trình vẽ mình ấy, đã bao lần anh cảm thấy bị lặp lại?
- Điều ấy là không thể tránh khỏi. Cùng về một đề tài, người yếu vẽ một cái là hết lực, người khá vẽ vài chục cái thì cũng phải lặp lại.
- Anh nghĩ sao về chuyện thay đổi đề tài để làm mới, hoặc làm khác đi khuôn mặt của chính mình?
- Tôi nghĩ rằng một họa sĩ, hay một nhạc sĩ, văn sĩ đi nữa đã tìm ra, định hình được phong cách của mình, nếu muốn thay đổi, tìm tòi thì vẫn phải dựa trên “cái trục” đó. Mọi người cũng hay hỏi tại sao tôi không bỏ lối cũ đi, bỏ chưa chắc đã hay. Mỗi người là một thế giới riêng biệt, mà không phải ai cũng khám phá ra mình riêng biệt như thế nào.
Đi mãi một con đường sẽ tìm ra cái gì của mình, tất nhiên phải có sự tìm tòi để không lặp lại. Không cứ ở Việt Nam, ngay cả các đại danh họa trên thế giới khi đã tìm ra phong cách của mình họ thường chú trọng đào sâu và phát triển phong cách đó để khi xem tranh người ta nhận ra ngay. Tôi thế này, tôi tìm ra tôi rồi thì tại sao lại bỏ cái bản ngã của mình?
- Có khi nào anh “làm đẹp” cho mình trong tranh?
- Quan điểm của tôi là: Nghệ thuật không bao giờ làm xấu, nghệ thuật chỉ làm đẹp. Hơn nữa mỗi bức tranh đều biểu hiện tư duy, tình cảm, phong cách nghệ thuật của mình, vậy thì nó phải đẹp chứ.
- Anh thường muốn nói gì với người xem qua mỗi bức tự họa?
- Muốn mọi người hiểu đúng về tôi, không phải quá xấu, cũng không quá tốt như nhiều người nói quá.
![]() |
Một tác phẩm của Thành Chương. |
- Họa sĩ nào là bậc thày trong mắt anh?
- Picasso. Như trên tôi đã nói: khi người nghệ sĩ “tìm ra mình” rồi thì họ giữ rịt lấy nó và không bỏ ra nữa. Nhưng cũng có những họa sĩ cá tính rất mạnh, họ có thể sáng tác nghệ thuật bằng những bút pháp khác hẳn từ trừu tượng đến tả thực, đến lập thể hoặc ấn tượng... với hàng chục đề tài khác nhau nhưng người xem vẫn nhận ra tác giả ấy.
Những họa sĩ đạt đến trình độ nghề nghiệp đỉnh cao như thế trên thế giới cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, và Picasso là một điển hình. Có thể một số họa sĩ coi tư duy của Picasso là lạc hậu, không phải tân tiến gì trong trào lưu hội họa hiện nay, nhưng điều tôi muốn nói ở đây là tinh thần đa dạng trong một con người. Tôi muốn học tập điều đó và có ý thức làm việc như thế.
- Nhưng hầu như những gì mà anh đưa ra bàn dân thiên hạ vẫn chỉ là tranh tự họa, khác hơn một chút là vẽ trâu - mà như những lời đồn thì cũng vì anh tuổi Sửu. Anh nói sao?
- Đúng ra tôi tuổi Tý, Mậu Tý. Trong tranh của tôi không phải chỉ có ký họa, trẻ em và trâu, tôi có cả phong cảnh, tĩnh vật, khoả thân, thậm chí cả tranh tình dục... nhưng mọi người ít biết vì đó mới là những tìm tòi và cố gắng thử nghiệm của riêng tôi.
- Sau những thể nghiệm ấy anh nhận ra điều gì?
- Tôi cũng là người cá tính mạnh, vì dù không vẽ tự họa, chỉ nhìn nét vẽ, cách phối màu... mọi người vẫn nhận ra đấy là tranh của Thành Chương.
- Điều gì thường ám ảnh anh nhất?
- Sự vô nghĩa của cuộc sống, càng ngày tôi càng cảm thấy rõ ràng hơn. Tất cả những cái mình lăn lộn, chiến đấu, đau khổ bây giờ đều vô nghĩa khi mình mất đi.
- Và cách ứng xử của Thành Chương với cuộc sống?
- Chấp nhận ý nghĩ rằng bản chất cuộc sống là như thế và làm mọi việc để cuộc sống của mình có ý nghĩa. Việc tôi làm việc như điên, việc tôi xây Việt phủ không nằm ngoài mong muốn khi mình không còn nữa thì mình vẫn để lại một cái gì cho mai sau dù có không ít người bảo tôi rồ, bị ma ám...
![]() |
Một góc Việt phủ Thành Chương. Ảnh: Y Ban. |
- Tại sao những bức tự họa của anh phần lớn là chân dung u sầu?
- Vì bản chất con người là như thế. Có chuyện thế này: có người mua một lúc hơn 10 bức tự họa của tôi. Ngạc nhiên, tôi hỏi tại sao ông mua nhiều tự họa của tôi thế, mà cái nào không rầu rĩ thì cũng buồn, cô đơn... Ông ta bảo: "Những tranh này ông vẽ ông nhưng tôi thấy tôi, tôi mua để tặng vợ cho vợ hiểu mình hơn".
Người mua tranh tôi rất nhiều, người ta nhớ mình nhưng mình không nhớ người ta là chuyện thường, nhưng câu chuyện của người đàn ông ấy làm tôi nhớ mãi. Trong nghệ thuật cái tồn tại vĩnh viễn là nỗi buồn, nói hơi sến là nỗi buồn đẹp.
- Có cái nào anh tự họa một chân dung hân hoan?
- Tôi có một bức tự họa không bao giờ bán được, nó có một hành trình rất buồn cười: gallery mua của tôi, khách mua của gallery rồi khách trả lại gallery, gallery trả lại tôi.
Bốn, năm gallery như thế buộc tôi phải nhìn lại thì thấy rằng trong bức tranh ấy quả có thoáng lên tinh thần tự mãn, vênh vác... mà hình như lúc nào đó tinh thần ấy đã len vào mình mà ra nét vẽ. Người mua tranh vì quý cái tên của mình, về nhận ra tinh thần đáng ghét ấy họ đem trả lại. Cuối cùng tôi phải xoá cái tranh ấy đi.
- Cuộc sống hiện tại của Thành Chương yên ả hơn trước. Điều ấy ảnh hưởng thế nào đến tranh anh?
- Cũng có thêm những cái tươi sáng nhưng cố hữu vẫn là sự cô đơn. Ai ai cũng là người khác.
(Theo Pháp Luật và Xã Hội)