Từ 2022 đến nay, vợ nhạc sĩ Thanh Bùi - doanh nhân Trương Huệ Vân, cháu ruột bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát - đang bị Tòa án Nhân dân TP HCM xét xử về những sai phạm trong kinh doanh. Ở giai đoạn một của vụ án, Trương Huệ Vân bị phạt 17 năm tù về tội Tham ô tài sản. Hiện, Trương Huệ Vân kháng cáo bản án này.
Sau hai năm im ắng trong cuộc sống riêng, lần đầu tiên nhạc sĩ Thanh Bùi nói về việc nuôi con một mình, tình yêu dành cho vợ và công việc ở lĩnh vực giáo dục anh đầu tư.
- Anh vượt qua biến cố gia đình như thế nào?
- Có lúc, biến cố đã ảnh hưởng tinh thần tôi, tuy nhiên, tôi hạn chế tối đa việc bị tác động theo hướng tiêu cực. Tôi tìm cách nhẹ nhàng đối mặt tình thế khó nhằn để tìm tia sáng. Thương hai con, tôi phải mạnh mẽ hơn, lo cho gia đình. Tôi chấp nhận có những việc xảy đến như là số phận thử thách mình. Những gì trải qua giúp tôi trưởng thành và là con người tốt hơn ở hôm nay.
Gia đình nào cũng có lúc gặp khó khăn. Thời gian qua, bạn bè tôi thậm chí còn gặp cảnh vợ hoặc chồng hoặc con cái qua đời, không thể tìm lại được người thân. Tôi không so sánh biến cố của mình với ai, chỉ nghĩ là đời người "còn thở là còn gỡ". Từ nhỏ đến giờ, tôi luôn như ở trên con thuyền lớn, nhiều sóng gió. Mệnh của tôi là "đại hải thủy" mà. Tôi quen với cảm giác đi một mình, phải bản lĩnh trên đôi bàn chân. Tôi chỉ cần hiểu bản thân đang làm gì, không quá quan tâm người khác nghĩ sao về tôi.
- Anh chăm sóc, nuôi dạy hai con ra sao?
- Tôi không đồng cảm những câu như "cha mẹ đã hy sinh nhiều cho con, con phải thế này, thế kia" vì như vậy có thể vô tình tạo áp lực lên con trẻ. Tôi cảm nhận không có gì đẹp bằng quan hệ tự nhiên của tôi với hai con song sinh - Khải An, Kiến An. Tôi dành nhiều thời gian cho con, ba cha con yêu thương và gắn kết. Con tôi may mắn có điều kiện phát triển trong hệ sinh thái giáo dục tôi bỏ nhiều tâm sức và thời gian gây dựng, gồm học viện âm nhạc, nghệ thuật, thể thao, trường mầm non, trường liên cấp theo mô hình NLCS (trường North London Collegiate School) của Anh. Con được học hát, nhảy, chơi piano, violon, thuyết trình, bơi, bóng đá, bàn, võ thuật.
Bảy tuổi, Khải An và Kiến An lập được ban nhạc riêng. Tôi nghiêm khắc và đề cao tính kỷ luật. Ví dụ, tôi quy định 6h50 mỗi ngày, hai bé phải sẵn sàng đứng ở cửa để tôi đưa đi học, chỉ cần trễ trên hai phút con phải tự lo liệu tới trường hoặc ở nhà. Tôi lắng nghe, tôn trọng ý kiến của hai con nhưng không phải muốn nói gì thì nói. Người thân cho rằng tôi khắt khe, nhưng điều tôi muốn là các con có được nền tảng cốt lõi để sau này vững chãi trên đường đời. Rất may, ông trời ban cho hai con tôi tấm lòng rộng mở, dễ chịu, hiểu biết hơn tuổi nên tôi không gặp nhiều vất vả.
- Anh làm gì để bù đắp khi các con thiếu hụt tình cảm của người mẹ?
- Hai bé tò mò về việc vắng mẹ. Tôi đã chia sẻ với con cặn kẽ từng giai đoạn sự việc xảy ra với gia đình để các con hiểu, biết thông cảm và an tâm. Các con tôi có nhiều tình yêu thương xung quanh nên phần nào bớt đi sự thiếu thốn tình cảm. Hồi hai tuổi, cặp song sinh bị chậm phát triển do sinh non, chẩn đoán phổ tự kỷ. Nhờ chuyên gia đầu ngành can thiệp kịp thời và đúng phương pháp, đến năm tuổi, các con tôi mới trở lại bình thường.
Việc đối diện với tình huống khó khăn trong cuộc sống sẽ khiến con tôi mạnh mẽ hơn. Bây giờ, tôi ngồi nói chuyện với Khải An, Kiến An như những người đàn ông trưởng thành. Hai con được sống trong môi trường xung quanh đều có những hình ảnh phụ nữ tuyệt vời như bà, chị và các cô. Hai năm qua, hai đứa có cơ hội được gặp mẹ vài lần. Mọi chuyện bây giờ đã ổn.
- Vụ án ảnh hưởng gì đến mối quan hệ của anh và vợ?
- Tôi vẫn mãi mãi một tình yêu với vợ, bằng hành động, không phải lời nói. Điều tôi có thể sát cánh cùng cô ấy là nuôi dạy hai con thật tốt, trở thành người có ích cho xã hội, đỡ gánh nặng cho bạn đời. Ngoài ra, tôi cũng phải biết tự giữ gìn sức khỏe để vợ không còn quá bận tâm về việc nhà. Khi khó khăn ập đến, chúng tôi càng hiểu về giới hạn của con người mình và nhận thức lại mọi việc đúng đắn hơn. Tôi trân quý vợ ở tính cách mạnh mẽ. Cô ấy luôn bình tĩnh, sâu sắc, rõ ràng, tình cảm.
Nhìn lại cuộc hôn nhân 11 năm qua, tôi nghĩ bản thân là một người chồng, người cha tốt. Từ trẻ đến giờ, trong chuyện tình cảm hay mối quan hệ nào đến với mình, tôi đều giữ nguyên tắc: Nếu ai muốn sở hữu người khác thì sẽ không bao giờ có mối quan hệ tốt đẹp. Một khi tôi đã chọn lập gia đình thì sẽ không bị lăn tăn chuyện quan hệ bên ngoài.
Trước khi cưới, tôi đã nếm trải quá đủ mùi vị của cuộc đời rồi, nên giờ đây không còn điều gì có thể cám dỗ được tôi nữa. Những trải nghiệm giúp cho một người đàn ông như tôi hiểu bản thân muốn gì và cần gì trong cuộc đời. Cách tôi sống trong mối quan hệ vợ chồng giống như ngoài xã hội: Rõ ràng, uy tín, tôn trọng. Tôi nghĩ đó là điều bình thường mà mỗi người có thể làm. Tôi cũng quý hai chữ chung thủy. Trong gia đình, tôi luôn sợ việc đổ vỡ có thể làm khổ những đứa bé.
- Điều gì khiến anh tiếp tục gắn bó Việt Nam thay vì quay về Australia gây dựng cuộc sống sau biến cố?
- Tôi sinh trưởng trong xã hội và nền giáo dục quốc tế, nhưng cả đời tôi đi tìm "ngôi nhà của mình". Ở Australia tôi là "một thằng Việt Nam" bơi trong đám đông người Tây, chiến đấu hàng ngày để họ công nhận. Trong lĩnh vực tôi làm, tôi phải giỏi hơn họ gấp năm, sáu lần mới có được như hôm nay.
Giai đoạn nhiều việc dồn dập xảy ra trong cuộc sống riêng, có lần khi ngồi tại một quán cà phê ở Australia, suy nghĩ về đời mình, tôi bừng tỉnh: Nhà thực sự của tôi là ở Việt Nam. Sang Australia tôi có cuộc sống bình yên nhưng đi xa là tôi nhớ tiếng mẹ đẻ, tiếng hàng quán xôn xao. Luôn có điều gì đó thôi thúc tôi phải về, chỉ muốn sống ở đây và không muốn đi đâu hết. Hai con tôi nói tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Việt, nhưng thích nhất là nói tiếng Việt. Ngoài ra, chỉ ở trong nước, tôi mới làm được công việc có ý nghĩa với bản thân và cảm nhận công việc ấy tác động đến cuộc sống nhiều người.
- Vì lý do gì anh chuyển hướng sang lĩnh vực giáo dục sau thời gian thành công với âm nhạc?
- Năm 2016, khi ngồi cạnh nhóm nhạc Hàn Quốc BTS ở lễ trao giải Grammy, tại Mỹ, tôi nhận ra áp lực và sự khốc liệt của những người ở trong ngành công nghiệp giải trí. Nếu tôi muốn chuyên tâm theo hướng biểu diễn và sáng tác, tôi sẽ không đủ thời gian bên cạnh hai con, không thể cùng các con trải qua những khoảnh khắc quan trọng trong đời.
Như đã nói, hai con tôi có giai đoạn được chẩn đoán mắc phổ tự kỷ, tôi và một số chuyên gia giáo dục kiên nhẫn từng bước để các con vượt qua, trưởng thành khỏe khoắn, vui tươi như bây giờ. Sau việc này, tôi rẽ hướng, mong muốn góp sức đào tạo và thúc đẩy phát triển toàn diện các nhân tố trẻ. Khi tôi chia sẻ câu chuyện của mình, nhiều gia đình cho biết được truyền cảm hứng. Hạnh phúc lắm khi có người tìm gặp, ôm tôi khóc, cho biết vì tôi nói ra câu chuyện của mình, họ thêm động lực vượt qua nỗi sợ và đồng hành với con. Làm ngành giáo dục là hoài bão chung của tôi và vợ.
- Mục tiêu anh muốn đạt được là gì?
- Tôi thấy một số trường học trong nước, quốc tế lẫn công lập, việc đào tạo một con người hình như chưa toàn diện. Có những em bé tôi tiếp xúc, gia đình đủ điều kiện, học trường quốc tế nhưng mới 11-12 tuổi đã không nói được tiếng Việt. Tôi thấy quá sai khi một số phụ huynh cho rằng chỉ cho con học tiếng Anh thì con mới phát triển vượt trội, đẳng cấp.
Tôi ấp ủ xây dựng những ngôi trường mà ở đó, các con được đào tạo bài bản về chuyên ngành, học thuật theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng phải biết chơi thể thao, nghệ thuật. Giỏi ngoại ngữ nhưng quan trọng nhất là phải thông thạo tiếng Việt. Sau này, các con có thể tiếp tục đi học tập ở nước ngoài nhưng vẫn hướng về xây dựng quê hương. Tôi khó chấp nhận việc con là người Việt lại mất gốc. Điều đó đã thôi thúc tôi xây dựng một hệ sinh thái giáo dục, kết hợp giữa học thuật quốc tế và văn hóa Việt Nam, có thể đào tạo những người tự tin hội nhập mà vẫn tự hào bản sắc.
- Anh dành tâm huyết thế nào trong lĩnh vực âm nhạc?
- Hôm kia, khi tôi ra mắt mô hình tổ hợp nhà hát tại TP HCM, xem ca sĩ trẻ Vũ Thanh Vân tự sáng tác và trình diễn, tôi tự nhủ 10 năm trước, không ai quan tâm đến em mà giờ em đã ít nhiều có chỗ đứng. Nhiều rapper trẻ hiện không chỉ trình diễn mà còn có thể tự sáng tác, phối khí và hòa âm. Sau 12 năm, trường nhạc của tôi được kiện toàn thành học viện nghệ thuật đa lĩnh vực, đào tạo ra một thế hệ học trò là nghệ sĩ như Vũ Cát Tường, Tiên Tiên, J.ade (Bích Ngọc).
Năm qua trường nhạc của tôi có nhiều em giành được học bổng các trường nghệ thuật top đầu thế giới như: Trọng Nhân đỗ Idyllwild Arts Academy, Lê Phước Khang vào được Interlochen Center for the Arts, còn Nguyễn Hàng Thy vào Berklee College of Music ở Mỹ.
Ngày trước, có người nghĩ tôi mở trường để "nuôi gà" nhằm mục đích đi trình diễn, kiếm tiền. Bây giờ, hy vọng không ai nói những câu nói như thế nữa. 12 năm qua thị trường âm nhạc thay đổi quá nhiều, đa dạng hơn. Nhìn lại lứa học trò, tôi thấy tư duy của mình phần nào đã ảnh hưởng đến con đường học tập và phát triển nghệ thuật của họ.
Với tôi, theo đuổi giáo dục nghệ thuật là tạo con đường giúp tài năng trẻ Việt Nam vươn ra toàn cầu. Tôi mơ mộng một ngày học trò mình đào tạo trong nước có thể đoạt giải Grammy hoặc Olympic thế giới.
Nghệ sĩ Thanh Bùi, 41 tuổi, tên thật là Bùi Vu Thanh. Gia đình anh sang Australia định cư năm 1982. Anh được đào tạo về thanh nhạc và đàn piano từ lúc 10 tuổi. Thanh Bùi bắt đầu được khán giả chú ý khi vào top 8 Thần tượng âm nhạc Australia 2008. Năm 2010, anh về nước lập nghiệp, cùng nhạc sĩ Dương Khắc Linh phát triển công ty nhạc. Ngoài ca hát, anh sáng tác nhạc và có nhiều tác phẩm được khán giả yêu thích, hợp tác với nghệ sĩ quốc tế như: Tata Young, BTS, Black Eyed Peas, cũng như gắn với tên tuổi của ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Thu Minh. Các bài hát được yêu thích của anh gồm: Tình về nơi đâu, Lặng thầm một tình yêu, Vút bay.
Năm 2013, Thanh Bùi làm huấn luyện viên của chương trình The Voice Kids. Nhạc sĩ kết hôn với doanh nhân Trương Huệ Vân (sinh năm 1988) cùng năm.
Thoại Hà - Hoàng Dung