Thanh Bùi từng đạt nhiều thành tích trong con đường học thuật. Sau một thời gian hoạt động nghệ thuật tại nước ngoài và Việt Nam, hiện nghệ sĩ đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Ông cũng là một trong số diễn giả tham gia chuỗi tọa đàm "Shine with Australia - Tỏa sáng cùng Australia" phát trên VnExpress.
- Điều gì góp phần tạo nên sự thành công của ông?
- Tôi sinh ra và lớn lên tại Australia, do đó, quãng thời gian học tập của tôi đều trải nghiệm tại nước này. Giáo dục Australia đã trao cho tôi tư duy mở, tinh thần dám ước mơ và dũng cảm thực hiện, từ đó, hình thành nền tảng cốt lõi. Đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp tôi đạt được một số thành tựu nhất định sau này.
Vì vậy, phụ huynh và các nhà giáo dục Việt Nam cũng nên trang bị cho trẻ giá trị cốt lõi trước. Các bạn ấy có thể tự phát triển tiềm năng, thành công theo hướng bản thân mong muốn.
- Vậy, môi trường tại Australia đã giúp ông trang bị tư duy mở như thế nào?
- Điều tôi thích ở Australia là cảm giác mình đang có nền tảng tư duy, kiến thức ở một đất nước đã rất phát triển và cân bằng về mọi mặt. Tôi nghĩ điều mọi người sẽ thấy rõ nét nhất khi đến Australia là cách mọi người làm việc, tư duy, làm việc nhóm hay cạnh tranh lành mạnh.
Điều khác biệt thứ hai ở Australia và Việt Nam là sự phân biệt đẳng cấp. Chuyện giàu - nghèo ở đây khá mờ nhạt, tức xã hội có sự công bằng nhất định. Khi bạn sống trong một môi trường như vậy, bạn sẽ có thêm thời gian để "thở", xem cách người ta cư xử với nhau, hỗ trợ nhau như thế nào. Tôi thấy ở Australia có một điều rất hay là ai cũng sẽ có cơ hội để thành công như nhau.
Theo tôi, khi học và sống trong môi trường cạnh tranh nhẹ nhàng hơn, tự nhiên tư duy sẽ cởi mở hơn. Khi đó, cách làm việc với nhau, tiếp cận với con người cũng sẽ tốt hơn và hạn chế việc nghĩ tiêu cực với người khác. Hoặc, chúng ta cũng có thể có nghị lực lớn, tầm nhìn rộng hơn, thay vì chỉ nghĩ đến mình sẽ làm cái gì, chiến đấu như thế nào để sống ngày mai. Tôi nghĩ đó là những giá trị tuyệt vời từ môi trường học và sống tại Australia.
- Năng lực giải quyết vấn đề là kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Ông nghĩ các bạn trẻ nên trang bị điều này ra sao?
- Theo tôi, điều quan trọng trong giải quyết vấn đề là chúng ta cần dạy cho các em rằng cuộc đời luôn có rất nhiều vấn đề và mình cần coi đó là điều bình thường. Người trẻ cần có sự sáng tạo, suy nghĩ cởi mở trong giải quyết vấn đề. Chúng ta không biết vấn đề của ngày mai sẽ xảy ra như thế nào. Do đó, người lớn nên trao cho các em sự tự do trong suy nghĩ, từ đó, tìm ra câu trả lời cho chính mình.
Thứ hai, điều quan trọng là cần trao cho các em không gian thực tập. Dù khi thất bại, các em cũng không bị đánh giá. Học sinh có quyền được sai để học hỏi từ đó. Các bạn trẻ đừng sợ sai, phân vân điều này đúng hay chưa, cũng đừng sợ đưa ra quyết định, trách nhiệm hay đánh giá của mọi người xung quanh.
Tôi có niềm tin rất lớn vào không gian phát triển toàn diện. Các em có thể "bay" trong sự sáng tạo của minh. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đầu tư về kiến thức. Người làm giáo dục nên cho học sinh cơ hội và quyền thể hiện mình. Nếu có sự ủng hộ của mọi người xung quanh, các em sẽ phát triển tốt hơn.
Nhiều học sinh hỏi tôi là cái gì đúng, cái gì sai. Tôi trả lời không có điều gì đúng hay sai, nó phụ thuộc vào các em, tùy theo bối cảnh và thời điểm. Cách giải quyết vấn đề chỉ phù hợp với bối cảnh, thời điểm đó. Chúng ta cần linh hoạt hơn trong xử lý các vấn đề cuộc sống.
- Những bạn trẻ muốn du học tại Australia có cần chuẩn bị trước kỹ năng gì, thưa ông?
- Dù ở đâu, chúng ta đều cần những giá trị cốt lõi tôi đã đề cập trước đó. Điều vô cùng quan trọng là các bạn phải sống hết mình. Du học là một cơ hội và đừng có sợ tiếp cận bất cứ cái gì. Các bạn phải biết sống, yêu, giận, khóc và nhìn nhận hành trình du học với tư duy cởi mở. Đây có thể là quá trình các bạn khám phá, đi chơi hay làm bất cứ cái gì mình muốn để tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi: mình là ai, tại sao mà mình sống ở đây, mục tiêu của mình là cái gì.
Tôi mong các bạn có thể tìm được đam mê của mình. Khi tìm được điều mà khi làm, các bạn cảm giác nó là máu trong cơ thể hay oxi của mình, bạn đã là người rất may mắn. Bởi lẽ, bạn đã khai phá ra mình thích, muốn làm gì. Lúc đó, công việc không phải là công việc nữa. Hằng ngày nó chỉ là một cuộc chơi thôi. "No fear, just have fun" (tạm dịch: Đừng sợ, cứ vui thôi!).
- Với kinh nghiệm gắn bó lâu dài tại Australia, ông có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ muốn du học?
- Việc đi du học là một trải nghiệm. Các bạn sẽ có cơ hội tiếp cận với văn hóa khác, thưởng thức sự khác biệt so với Việt Nam. Sự phong phú trong trải nghiệm có thể mang lại nhiều giá trị cho các bạn.
Trước tiên, quá trình này sẽ giúp các bạn tự tin hơn. Mình học qua sách vở, ai cũng học được hết nhưng nếu mình học qua sự trải nghiệm, đó là một điều rất đặc biệt. Tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam được gia đình chiều, cái gì cũng được làm cho. Do đó, khi qua Australia, các bạn như là một tờ giấy trắng, phải học cách sắp xếp một ngày, chăm sóc bản thân từ đâu. Đó là trải nghiệm để các bạn sống và trưởng thành.
Về khía cạnh chọn trường, tôi thấy học ở đâu cũng được. Thay vì đánh giá xuất thân trường học, tôi đề cao việc một người đã sống như thế nào, trải nghiệm ra sao và đã có những bộ kỹ năng gì. Đó mới là những giá trị thực sự.
Du học không đồng nghĩa với việc các bạn sẽ giỏi hơn người học trong nước. Học trò tại Việt Nam rất nhiều. Sự trải nghiệm mới là yếu tố mang đến nhiều bài học cho các em.
Ngoài ra, hãy lắng nghe bản thân mình muốn gì. Chúng ta có thể tham khảo ý kiến những người đi trước nhưng suy nghĩ của bản thân vẫn là ưu tiên hàng đầu. Có điều đó, các bạn mới có thể theo đuổi đến cùng và không hối hận khi đã sống trọn vẹn.
Nhật Lệ
Sự kiện quy tụ hơn 20 diễn giả là các chuyên gia giáo dục hàng đầu, đại diện bang và vùng lãnh thổ của Australia cũng như nhiều du học sinh Việt du học thành công.
Chuỗi tọa đàm cũng giới thiệu Global Pathways, mô hình du học chuyển tiếp và nhận bằng từ các đại học Top 1% thế giới của Australia như Đại học Macquarie, Monash, Western Sydney, Wollongong, Griffith, South Australia,... cùng nhiều học bổng giá trị.