Thanh Bùi vừa ra mắt dự án trường tiểu học Việt Nam Tinh Hoa - NLCS HCMC. Với vai trò Chủ tịch Hệ sinh thái Giáo dục Sáng tạo Embassy Education nghệ sĩ, doanh nhân Thanh Bùi chia sẻ về hành trình đầu tư vào lĩnh vực giáo dục 10 năm qua.
- Nhắc đến Thanh Bùi, công chúng nhớ đến hình ảnh một nghệ sĩ quốc tế, mang làn gió mới đến với bức tranh âm nhạc Việt Nam. Cơ duyên nào khiến ông quyết định rẽ hướng sang giáo dục, một lĩnh vực khác biệt với những thành quả đang có?
- Với tôi, nghệ thuật và giáo dục không có sự tách biệt, mà luôn đồng hành, mang đến các giá trị cho cuộc sống. Khi đứng trên các sân khấu lớn, trước hàng nghìn khán giả, tôi cảm thấy niềm vui vì những điều mình đang làm, nhưng niềm vui đó không kéo dài. Bên cạnh đó, việc được hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến từ các trường hàng đầu ở nước ngoài, thấy được sự công nhận đối với các môn nghệ thuật và những người làm nghệ thuật, điều này thật sự khác biệt trong bối cảnh Việt Nam. Vì vậy, tôi nghĩ mình cần tạo ra sự thay đổi, bắt nguồn từ mong ước truyền cảm hứng và âm nhạc đến với Việt Nam nói chung và trẻ em nói riêng, tôi bắt đầu con đường đào tạo nghệ thuật. Sự ra đời của Học viện Âm nhạc & Trình diễn Nghệ thuật Soul từ cách đây 10 năm đánh dấu cột mốc đầu tiên bước vào lĩnh vực giáo dục.
- Đâu là điểm khác biệt của hướng giáo dục nghệ thuật ông theo đuổi, so với các hình thức đang có trên thị trường?
- Từ thời điểm bắt tay vào đầu tư giáo dục nghệ thuật đến nay, tôi luôn tâm niệm, việc mình đang làm là đào tạo con người thông qua nghệ thuật, không đơn thuần dạy các môn nghệ thuật mà hầu hết mọi người nhìn nhận là môn phụ, học để giải trí. Thông qua giáo dục để thay đổi tư duy về nghệ thuật là điều tôi muốn hướng đến.
Có một ví dụ tôi rất tâm đắc, thể hiện rõ vai trò của nghệ thuật trong sự thành công của trẻ. Hàng năm, các trường đại học nổi tiếng trên thế giới như MIT, Stanford, Harvard... nhận được vô số hồ sơ nhập học, và họ chỉ chọn 3,18% trong tổng số hồ sơ nộp vào. 70% các hồ sơ này đều đạt thành tích học tập rất cao. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để một em học sinh này có thể khác biệt và có cơ hội được nhận vào trường, so với một em học sinh khác có cùng thành tích học tập? Lúc này, việc học giỏi trở nên bình thường, điểm số cao không còn quan trọng. Ban tuyển chọn nhìn vào những gì các em đạt được bên cạnh thành tích học tập, các em có niềm đam mê gì, sở thích gì, biết chơi một bộ môn nghệ thuật hay thể thao bất kỳ nào không? Đó chính là những kỹ năng mềm thiết yếu, giúp trẻ trở nên khác biệt. Những điều phụ huynh châu Á thường xem là môn phụ, đối với tôi, chính là những điều không thể thiếu. Tất cảm các môn đều cần được xem xét ngang nhau, mang đến sự công bằng trong giáo dục, vì chúng đều bổ trợ cho sự phát triển của trẻ.
- Tâm thế trong giáo dục nghệ thuật này cũng được ông áp dụng vào giáo dục đại chúng?
- Thật ra, tôi quyết định dấn thân vào giáo dục đại chúng vì hai con của mình. Khi biết mình sắp trở thành cha của hai đứa trẻ, tôi cũng như bao phụ huynh khác đi tìm trường cho con. Từ đây, tôi nhận ra những điều mà các trường hiện có chưa đáp ứng nguyện vọng của mình. Tôi muốn con hiểu và yêu tiếng Việt, yêu văn hóa và nguồn cội nơi mình sinh ra và lớn lên. Nghĩ đến cảnh đưa con vào trường quốc tế, con không có nhiều cơ hội nói tiếng Việt, cảm thấy xa cách với Việt Nam cũng như gốc rễ của mình, tôi muốn làm mọi thứ trong khả năng của mình cho các con. Suy nghĩ đó mang tôi đến với hành trình giáo dục đại chúng, bắt đầu từ mầm non và bây giờ là trường tiểu học.
- Vì sao ông lại chọn giáo dục sáng tạo là định hướng xuyên suốt?
- Sự sáng tạo mang trong mình một sức mạnh vô hạn. 50 năm trước, không ai trong chúng ta nghĩ đến một ngày mình sẽ nói chuyện trực tuyến với một người cách mình nửa vòng trái đất, hoặc thậm chí điều khiển robot với trí thông minh nhân tạo AI. Đặc biệt, đứng trước những thay đổi nhanh chóng của thời cuộc, dưới tác động của đại dịch, chúng ta càng có thêm trăn trở trước tương lai đầy ẩn số cho thế hệ tương lai của đất nước, cho con em chúng ta. Nhờ có sự sáng tạo cùng kiến thức, công nghệ, chúng ta có được vaccine cho đại dịch của thế giới. Nhờ có sự sáng tạo, chúng ta linh hoạt thay đổi kế hoạch học tập, nhằm mang kiến thức đến gần hơn với mọi người trong mọi trường hợp. Vậy, tại sao không áp dụng sáng tạo vào giáo dục để xây dựng một nền tảng vững chắc, chuẩn bị cho các thế hệ mai này?
- Sự ra đời của trường tiểu học Việt Nam Tinh Hoa - NLCS HCMC có vai trò gì trong hệ sinh thái giáo dục sáng tạo Embassy Education?
- Trước khi có sự hiện diện của NLCS HCMC, Embassy Education đã có trường mầm non Little Em’s - ngôi trường mầm non áp dụng hướng tiếp cận Reggio Emilia được Reggio Children công nhận, Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật Soul (SMPAA), Học viện Thể thao Quốc tế Việt Nam (VIIS), Học viện Nghệ thuật Thị giác Đương đại Việt Nam (VCVAA) ... Điều này đồng nghĩa các con học tập tại đây sẽ nhận được sự hỗ trợ hết mình từ những đơn vị uy tín hàng đầu của thế giới, để các con được tự do khám phá tiềm năng và phát triển toàn diện theo đam mê của mình.
Sự ra đời của NLCS HCMC là bước chuyển tiếp cần thiết cho các em tại Embassy Education nói riêng, và cho trẻ em Việt Nam nói chung. Đây cũng là dự án nhằm hoàn thiện Hệ sinh thái Giáo dục sáng tạo này, một hệ sinh thái được liên kết chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau vì mục tiêu chung, nhằm tạo ra một thế hệ mầm non Việt Nam được thay đổi nhờ giáo dục toàn diện, giúp con thành công ở bất kỳ ngành nghề nào con lựa chọn.
- Đâu là điều ông tâm đắc trên hành trình đầu tư vào giáo dục?
- Tôi luôn đặt bản sắc văn hóa dân tộc vào trong từng hoạt động của mình. Đây chính là tâm huyết, mong muốn cũng như kỳ vọng của tôi khi bắt đầu hành trình giáo dục, vì tôi muốn nhìn thấy thế hệ mầm non Việt Nam tương lai tự hào về nguồn cội và tự tin vươn ra thế giới với tiềm năng của mình. Không dừng lại ở đó, các em chính là người sẽ đóng góp cho cộng đồng, cho sự phát triển của đất nước bằng chính công sức, thành quả mà mình đã đạt được. Đây chính là nguồn động lực thúc đẩy tôi bước tiếp trên hành trình này. Với sự hiện diện của mảnh ghép NLCS HCMC, Embassy Education sẽ thêm vững vàng trong việc bồi đắp tình yêu vào việc học tập, hiểu về nguồn cội, và thông qua đó giúp các em phát triển toàn diện theo mong muốn của mình.
Dự án trường tiểu học Việt Nam Tinh hoa - NLCS HCMC được thiết kế cho người Việt, mang tinh hoa quốc tế, cụ thể là NLCS (Anh quốc) - ngôi trường học thuật danh giá với 170 năm lịch sử tại Anh - vào bối cảnh Việt Nam. Trường cũng là thành viên thứ 5 thuộc hệ thống NLCS trên toàn thế giới, gồm Anh quốc, Jeju, Dubai và Singapore.
Thế Đan (Ảnh: NVCC)