Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng NN&PTNT chủ trì xây dựng quy hoạch tổng thể việc di dân, tái định cư. Ước tính có 18.200 hộ với 91.000 người phải di dời (với quy mô Sơn La thấp). Chính phủ đã tách nội dung này thành dự án riêng, giao cho một phó thủ tướng làm trưởng ban chỉ đạo. Vốn rót vào công tác di dân tái định cư là khoảng 9.600 tỷ đồng, tính ra mỗi hộ dân được 500 triệu đồng.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá số tiền này là khá lớn so với thu nhập của dân cư khu vực phải di dời (1,5-2 triệu đồng/hộ/năm). Nhưng vấn đề là làm sao sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, tận dụng được cơ hội tái sắp xếp, cơ cấu dân cư cùng kinh tế xã hội vùng Tây Bắc. Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân nói: "Chương trình này mới được nhìn thuần túy ở góc độ kinh tế, chưa quan tâm đầy đủ tới vấn đề xã hội và môi trường". Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Nguyễn Viết Chức nhận xét, ở các khu tái định cư mẫu chỉ thấy nhà bê tông mọc san sát, mỗi hộ chỉ được 200-400 m2, khác hẳn truyền thống sinh sống phóng khoáng, hòa nhập với thiên nhiên của bà con dân tộc. Hơn nữa, chuyện ăn, chuyện ở, chuyện tín ngưỡng... đều liên quan đến văn hóa, nên phải được nghiên cứu ngay từ đầu.
Đại biểu Vừ A Phía, tỉnh Lai Châu nhấn mạnh yêu cầu công bằng giữa người phải di dời với dân ở nơi tái định cư: "Không thể để người mới đến có nhà bê tông kiên cố, còn người sở tại vẫn nhà tranh dột nát". Theo vị Phó bí thư Tỉnh ủy, đất đai những vùng quy hoạch tái định cư đều đã có chủ, nếu xử lý không khéo có thể dẫn đến xung đột giữa cộng đồng dân cư cũ và mới. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa san sẻ mối lo lắng này, và cho rằng không thể áp đặt lối quy hoạch theo kiểu đô thị cho bà con dân tộc. Theo bà, để tận dụng cơ hội phát triển kinh tế xã hội Tây Bắc thì bên cạnh những chủ trương của trung ương còn phải có sự tham gia của người dân để làm sao đến vùng mới sinh sống, bà còn vẫn giữ gìn và phát huy được phong tục truyền thống của mình. Nếu triển khai không đúng tâm lý, văn hóa của người dân tộc, theo bà Thoa, có thể dẫn đến tình trạng: "Chính phủ xây nhà nhưng dân không ở, giao đất nhưng bà con không dùng mà vẫn tiếp tục phá rừng".
Các đại biểu còn cho rằng không thể quy định cứng là hỗ trợ lương thực cho đối tượng tái định cư trong 1 năm, bởi trong thời gian đó bà con chưa thể kịp làm quen với vùng đất mới. Đại biểu Tôn Thất Bách chỉ ra bài học ở công trình Tam Hiệp, Trung Quốc: người dân phải mất 5 năm mới ổn định được cuộc sống. Theo ông, không nên ấn định hỗ trợ 1 hay 2 năm, mà phải giúp đỡ bà con cho tới khi họ an tâm sinh sống. Đại biểu Bùi Thị Bình nói: "Phải rút ra những bài học ở Hòa Bình, Yaly, nơi mà công trình hoàn thành cả chục năm nay mà hậu quả xã hội vẫn còn đeo đẳng. Đến mức dân Hòa Bình có câu truyền miệng: chạy vì nước nhưng không có nước, chạy vì điện mà không có điện".
Kiến nghị cụ thể cho chương trình xã hội rộng lớn này, đại biểu Thào Xuân Sùng đặt vấn đề cho hai tỉnh Sơn La, Lai Châu được bầu thêm một phó chủ tịch tỉnh chuyên trách chỉ đạo công tác di dân, tái định cư. Ông Vừ A Phía đề nghị cho tách đôi tỉnh Lai Châu, không cần chờ đến khi nước hồ dâng lên chia cắt địa lý tỉnh này. Cả hai địa phương mong muốn được ứng trước vốn để triển khai việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đền bù đất sản xuất để xây dựng khu tái định cư tập trung.
Nghĩa Nhân