Hãy cất chiếc máy ảnh và hòa mình nhiệt tình trong lễ hội vui tươi và nhộn nhịp của nước láng giềng thân thuộc.
Ý nghĩa
Tết té nước là một trong những lễ hội văn hoá truyền thống của các nước Đông Nam Á. Người Lào gọi là Bunpimay, người Thái Lan gọi là Songkran, người Campuchia thì gọi là Chol Chnam Thmey và người Myanmar gọi là Thingyan.
Lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Vào những ngày này, mọi người thường té nước vào nhau để chúc phúc, cầu mong mưa thuận gió hoà, cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc. Lễ hội ở Lào thường được gọi tắt là Bun, có nghĩa là làm phước, làm phước để được phước.
Thời gian lễ hội
Tết Bunpimay thường diễn ra trong ba ngày, 13, 14 và 15/4 hàng năm theo Phật lịch.
Phong tục lễ hội
Ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng của năm cũ, người ta lau dọn sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Vào buổi chiều, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo, cầu mong sức khoẻ và hạnh phúc cho cả năm. Sau đó, họ rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước.
Ngày thứ hai không được tính đến vì đó là giao thời giữa năm cũ và năm mới.
Ngày thứ ba cũng là ngày cuối cùng với nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi. Trước khi té nước, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng. Bạn bè té nước vào nhau. Họ không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều sẽ hạnh phúc nhiều.
Người ta làm tháp bằng cát, trang trí bằng cờ, hoa, dây vải và vẩy nước thơm. Trong những ngày này, người dân còn phóng sinh các loài động vật như rùa, cá, cua, chim… để lấy phước.
Ngày tết khách đến xông nhà được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Trong suốt ba ngày tết, ai có nhiều chỉ buộc cổ tay được coi là người sẽ gặp may mắn cả năm.
Người ta dùng hoa muồng (bò cạp vàng) cột vào xe và treo trên nhà để cầu may mắn, kết hoa Chăm pa thành từng chùm hay cài trên tóc để cầu mong điều phước lành trong năm.
Địa điểm
Lễ hội té nước được tổ chức trên khắp cả nước nhưng vui nhất tại cố đô Luang Prabang và Vang Vieng. Tại Luang Prabang, nơi có nhiều chùa chiền và là khu du lịch nổi tiếng, các vị khách nước ngoài được tận hưởng không khí lễ hội rõ nét với rất nhiều trò chơi thú vị.
Tư vấn dự Tết té nước
Nếu bạn có ý định dự lễ Té nước tại Luang Prabang, hãy bắt đầu đặt vé ngay. Để đi từ Hà Nội, bạn có thể bay thẳng với chuyến bay của Vietnam Airlines trong khoảng 2 tiếng. Một lựa chọn nữa là xe giường nằm, mỗi ngày có 2 chuyến xuất bến từ bến xe Nước Ngầm.
Tại Luang Prabang có rất nhiều khách sạn nhà nghỉ dành cho khách với mức giá 300.000 đồng trở lên. Vào thời điểm lễ hội, bạn nên đặt trước để chắc chắn có phòng. Đây là một thành phố có lịch sử lâu đời nhất của Lào với rất nhiều điểm tham quan như các ngôi chùa linh thiêng, phố cổ, hang Pak Ou, núi Phoushi và khu chợ đêm. Những nơi bày bán các mặt hàng truyền thống hay sản phẩm bằng bạc nổi tiếng của người Lào.
Trong ngày Tết, người Lào rất thích ăn món lạp với xôi nóng. Ngoài ra còn rất nhiều món ngon bạn nên thử như thịt trâu khô, gà nướng, cá nướng...
Lưu ý
Nếu ở Lào trong những ngày tết, bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những lời chúc bằng nước. Người dân Lào rất thân thiện, họ không làm gì bạn cả. Nếu bạn đang lái xe hoặc đi bộ trên phố, họ sẽ chỉ hắt nước vào người bạn. Đừng cáu giận, họ làm vậy chỉ là để mong ước cho bạn được mạnh khoẻ suốt cuộc đời và nghĩ rằng chính bản thân họ cũng được mạnh khoẻ như bạn.
Hân Hân