Tôi tin, lâu dài về sau, Covid vẫn sẽ còn được nhắc đến bởi những thay đổi, hệ lụy nó gây ra cho cuộc sống này.
Những năm Covid đáng sợ, chúng ta đã mất mạng người, mất sự ổn định, mất cân bằng kinh tế, mất khách du lịch, mất những hoạt động giao thương... Nhiều người bạn tôi đóng cửa doanh nghiệp, và vẫn đang chật vật trên con đường sinh tồn mới.
Chiều Sài Gòn tháng cuối năm dương lịch, chúng tôi ngồi lại với nhau và đưa ra một nguyên tắc: Thôi, không nói về sự mất mát, mà thử nói về cái được xem sao.
Duy Đông, anh chàng ít nói nhất, lại là người muốn chia sẻ đầu tiên. Đông là chủ doanh nghiệp lớn, có một chuỗi dây chuyền sản xuất ở miền Đông Nam Bộ. Trước Covid, gặp Đông rất khó, khó đến mức chỉ cần ai trong nhóm đề xuất: "Gọi cho Đông đi" thì phần còn lại sẽ gạt phăng. Bởi gọi mười lần thì tám lần cậu trả lời: "Tớ đang lún việc". Những ngày tháng triền miên "lún việc" đã khiến Đông nhiều lúc căng thẳng, stress, mà có lần Đông nhắn tin cho tôi: "Giờ tôi ăn miếng cơm vào mồm không thấy ngon". "Buông ra, nghỉ ngơi chút đi" - tôi nhiều lần nói nhưng Đông luôn bảo là "không thể", "nếu tớ buông ra, nhà máy chết".
Đâu đó Đông cũng nói tới chuyện buông, nhưng là cái buông ở thì tương lai, khi đã thực hiện xong mục tiêu A, mục tiêu B. Cứ như thế, cuộc sống của cậu chỉ quanh quẩn với những trận "thua hay thắng cuộc đời".
Nhưng rồi Covid đến. Covid buộc Duy Đông không muốn cũng phải buông. Và nhờ quãng thời gian này, Đông nhận ra hai điều: Một, mình có tạm buông ra thì hệ thống cũng không chết như mình tưởng. Hai, mình đã có một khoảng thời gian quý báu để chăm sóc chính mình, hàm dưỡng năng lượng tích cực cho chính mình. Đến khi đại dịch lắng xuống, Đông trở lại công việc với một tâm thế hoàn toàn khác - biết cân bằng giữa việc kiếm tiền, gia tăng sản xuất với việc chăm sóc bản thân, kiến tạo hạnh phúc ở trong mình.
"Cái được lớn nhất của tớ trong năm nay là đã biết định vị lại đời sống. Trước đây tớ nghĩ, cuộc sống chỉ có công việc, và công việc là mình, nhưng bây giờ tớ hiểu, công việc thật ra không định nghĩa mình". Cả nhóm chúng tôi lặng đi khi nghe Đông kết luận: "Chất lượng hạnh phúc mới định nghĩa mình".
Thoát ra một định kiến đã theo đuổi bản thân bao nhiêu năm, đấy rõ ràng là một thành công lớn của Đông, trong một năm mà nếu xét ở góc độ kinh tế thuần túy, chắc chắn Đông cũng như nhiều doanh nhân như Đông đã mất mát ghê gớm.
Sau Duy Đông, những người bạn khác của tôi tiếp tục nói về cái được của từng người. Tôi nhận ra, có những người trước đây quan niệm thành công phải gắn liền với công việc, mà phải là những việc hết sức to tát, thì bây giờ đã nhận ra thành công có thể thu nhận ở nhiều phương diện, với nhiều góc nhìn khác, rất đáng chia sẻ. Có người nói, thành công của họ trong năm nay là đã kết nối lại với vợ và các con. Có người nói, thành công của họ là thoát ra khỏi một nếp quản lý cũ, thay vì quát tháo, thị uy, đã chọn cách tiếp cận đồng cảm, chia sẻ với nhân viên nhiều hơn.
Đặc biệt, một trong số chúng tôi kể rằng, thành công lớn nhất của anh là đã chấp nhận giới tính thật của con, sau nhiều năm. "Có người hàng xóm, hôm trước vừa cười nói với mình, hôm sau đã ra đi vì tai nạn. Tôi nhận ra cuộc sống con người mong manh quá. Tôi nghĩ đến con tôi, và tôi hiểu không thể mãi áp đặt nó theo ý muốn của mình".
Tôi ngồi viết những dòng này khi mùa Noel sắp đến. Sài Gòn rục rịch thông xanh và đèn lấp lánh. Tôi chợt nghĩ: Đêm Noel quây quần bên nhau, bạn sẽ nói về điều gì? Chắc cũng không tránh khỏi những câu chuyện mất mát. Nhưng tôi tin nếu bình tĩnh, bạn cũng sẽ nhận ra những bài học mới, những thành công mới, những sự can trường mới.
Trong rất nhiều trường hợp, thành công xuất hiện từ những câu chuyện đời thường nhất, khi ta biết buông điều gì đó, biết thay đổi một điều gì đó, để dịch chuyển cuộc sống theo hướng ấm áp, chân thành. Và cũng trong rất nhiều trường hợp, người bản lĩnh là người biết vượt qua một định kiến, bước qua một vùng an toàn để thay đổi góc nhìn, cho cuộc sống dễ chịu, cởi mở hơn.
Có những thời điểm, mà vì khó khăn quá, ta phải bớt ăn thua, bớt khắt khe với cuộc đời, bấu víu vào những thành công nhỏ nhất để vực mình lên.
Phan Đăng