Việt Nam dẫn trước hai bàn ngay trước sự chứng kiến của khán giả Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
Chiến thắng tối nay có thể xem là món quà Giáng sinh ý nghĩa nhất với người hâm mộ Việt Nam. Đêm đông Hà Nội lại như rực cháy cùng sắc đỏ của dòng người người hâm mộ. TP HCM và những nơi khác cũng ngập niềm vui. Lần đầu tiên kể từ năm 1998, Việt Nam thắng Thái Lan ở một giải đấu chính thức.
Trước trận chung kết lượt đi, Peter Reid tuyên bố muốn thắng cả hai lượt trận và sẽ tạo được cách biệt hai bàn tại Bangkok. Ông có nhiều cơ sở để tự tin như vậy. Chưa tính tới lợi thế sân nhà, Thái Lan vốn đã luôn được giới chuyên môn đánh giá cao hơn. Nay họ còn được nghỉ ngơi ngay tại Bangkok sau bán kết để đón Việt Nam bay tới từ Singapore, tức là bị hạn chế hơn về ngày dưỡng sức. Ngoài ra, vòng bảng, họ đã thắng dễ Việt Nam 2-0.
Nhưng Calisto nhấn mạnh tại buổi họp trước ngày tái ngộ: "Phong độ của Việt Nam cùng thất bại trước Thái Lan ở vòng bảng đã là chuyện quá khứ, chuyện ở Phuket. Hiện tại, chúng tôi đã có mặt ở chung kết, tại Bangkok. Chúng tôi muốn thắng và đã tìm đường thắng". Các tuyển thủ cũng tỏ ra rất tự tin. Nhưng giới chuyên môn nội đa số cho rằng cầm hòa được tại Bangkok đã là thành công lớn của tuyển Việt Nam. Nhận định đó càng có lý khi phần lớn hiệp một chúng ta gần như chỉ phòng ngự, kể cả tiền đạo Công Vinh cũng lùi thấp. Nhưng rồi, Thái Lan liên tiếp mắc sai lầm trước giờ nghỉ, khi luống cuống trước hai đòn phản công của Việt Nam ở các phút 40 và 43. Vũ Phong và Công Vinh đều ghi bàn từ cự ly gần, ở thế tương đối tự do (xem video).
Hiệp hai, Thái Lan vùng lên dữ dội hơn, nhưng chỉ đủ sức gỡ một bàn. Họ có thể tiếc một bàn thắng bị từ chối trong tình huống phạt việt vị có phần nhạy cảm. Nhưng thực tế trên sân cho thấy, Thái Lan đã không đủ sắc và đủ chắc, nên dù ép sân vẫn phải chịu thiệt trước trận lượt về. Nhiều cầu thủ trong số họ đã có biểu hiện ức chế tâm lý, dẫn tới nóng vội. Và trên sân Mỹ Đình tối 28/12, họ sẽ còn chịu thêm sức ép từ cầu trường Mỹ Đình rực lửa.
Đội quân của HLV Calisto đã chiếm thế trên trước trận lượt về, tuy nhiên tỷ số 2-1 chưa cao tới mức có thể đảm bảo một chiến thắng chung cuộc. Thái Lan đương nhiên đang chịu áp lực rất lớn, nhưng họ từng không ít lần thắng chúng ta ngay tại Hà Nội. Trận bán kết Tiger Cup 1998, Việt Nam bất ngờ thắng 3-0 trên sân Hàng Đẫy, nhưng sau đó từng thua chung kết SEA Games 2003 ngay ở Mỹ Đình, và thua 0-2 cũng tại đây ở bán kết lượt đi của AFF Cup 2007...
Tại AFF Cup, chỉ số bàn thắng sân khách không được tính tới. Nghĩa là nếu Thái Lan thắng lại với một bàn cách biệt (tỷ số bất kỳ), thì hai đội sẽ phải đấu hiệp phụ, và có khả năng đá phạt đền.
Việt Nam (trắng) phòng ngự kiên cường, tạo bước đệm cho những cú hồi mã thương. Ảnh: Reuters. |
Đội hình thi đấu của tuyển Việt Nam: thủ môn Hồng Sơn; hậu vệ Quang Cường, Như Thành, Phước Tứ, Quang Thanh; tiền vệ Minh Châu, Tài Em, Vũ Phong, Tấn Tài; tiền đạo Công Vinh, Việt Thắng (Quang Hải 65').
Thái Lan: Kosin, Suree Sukha, Chonlatit, Phanrit, Thonglao, Natthaphong, Surat Sukha, Sutee Suksomkit, Pitchitphong, Teerasil Dangda, Teerathep.
Như vậy, ở trận này, Quang Cường thay hậu vệ phải Việt Cường bị treo giò. Bên phía Thái Lan, thủ môn Kosin bất ngờ thay Kittisuk. Họ cũng thiếu tiền vệ phải Suchao (treo giò).
Thiếu Suchao nhưng kịp đón chào sự trở lại của tiền vệ trái Suksomkit, Thái Lan nhanh chóng áp đặt thế trận, triển khai tấn công đa dạng, và khiến cầu môn Việt Nam liên tục hứng chịu sóng gió, dù chúng ta đã khởi đầu chắc chắn hơn tại vòng bảng. Nhưng thủ thành Hồng Sơn cùng hàng phòng ngự Việt Nam đã trụ vững trong thời khắc khó khăn đó, tạo sức bật cho tuyến trên tung hai đòn phản công sắc như dao, khiến Thái Lan từ chỗ chủ động chuyển sang cuống ở cuối hiệp.
Ngay phút thứ nhất, Suksomkit đã tung cú sút căng từ xa, bóng bật Như Thành đi ra biên ngang. Phút thứ 4, Tấn Tài nhận thẻ vàng, sau pha phạm lỗi với đối thủ. Phút thứ 7, tiền vệ phòng ngự Minh Châu lại phạm lỗi ngoài vòng cấm địa. Thonglao sút phạt nhưng không thành công. Phút thứ 8, thủ môn Hồng Sơn chặn được cú đánh đầu sau pha phối hợp phạt góc của Thái Lan.
Tấn công mạnh bên cánh trái ở đầu trận, nơi Quang Cường thế chỗ Việt Cường, nhưng Thái Lan có pha hãm thành nguy hiểm bên cánh phải ở phút thứ 10. Phút thứ 13, Hồng Sơn chặn được cú đánh đầu cận thành rất căng của Suksomkit, sau đường tạt hiểm của Thonglao. Một pha cứu thua ngoạn mục. Thủ môn này còn có nhiều pha xử lý xuất sắc khác ở phần còn lại của trận chung kết lượt đi, góp công lớn giúp Việt Nam bảo toàn lợi thế. Phút 14, lại một cú đánh đầu của Thái Lan đưa bóng đi chệch cột dọc. Phút 18, tiền đạo Winothai dốc bóng thần tốc và kỹ thuật bên cánh phải, vượt qua Phước Tứ rồi tạt ngang. Nhưng bóng đi hơi mạnh so với tầm băng vào của Dangda ngay trước khu 5m50. Nếu không, Hồng Sơn đã hứng chịu một cú dứt điểm nguy hiểm. Phút 27, Hồng Sơn phản xạ tốt, vồ bóng kịp thời làm đổi hướng được đường chuyền ngang rất hiểm của Dangda, và sau đó hàng phòng ngự Việt Nam lăn xả giải nguy thành công. Phút 29, Suksomkit có quả treo bóng leo xà ngang. Phút 30, Dangda tiếp bóng không tốt từ cự ly gần, sau cú sút của Winothai ngay trong khu cấm địa. Phút 35, Winothai sút ngay, đưa bóng qua xà, sau đường chuyền dài của đồng đội ở trung lộ.
Kiên cường chống đỡ hiệu quả, Việt Nam dần mạnh dạn nghĩ tới chuyện phản công kể từ nửa cuối hiệp một. Phút 36, Việt Thắng treo bóng rất hiểm về phía Công Vinh trong khu cấm địa, nhưng Sukha lao đầu cắt bóng chính xác.
Phút 40, Việt Nam bất ngờ dẫn 1-0. Tiền vệ Tấn Tài thoải mái tạt vừa tầm từ cánh trái vào giữa khu cấm địa. Tiền vệ Vũ Phong chạy cắt mặt đánh đầu chéo góc hạ Kosin, trong sự ngỡ ngàng của hàng thủ Thái Lan. Họ đã sơ hở trong tình huống này, khi hai hậu vệ áo vàng đều giữ khoảng cách khá xa với Vũ Phong. (xem video)
Vũ Phong (trái) phấn khích sau bàn mở tỷ số. |
Phút 43, Việt Nam tung tiếp đòn phản công thần tốc, sau khi cầu thủ Thái Lan để mất bóng trong pha tranh chấp trên không. Việt Thắng bứt phá vào khu cấm thành từ bên cánh phải, bình tĩnh khi đối mặt thủ môn Kosin, rồi chuyền ngang cho Công Vinh tự do đưa bóng vào lưới trống từ khoảng cách chỉ 10 mét. 2-0 cho Việt Nam. (xem video)
Phút 44, Hồng Sơn chặn đứng cú sút bất ngờ của Winothai từ sát vạch 16m50. Điều đó báo hiệu về một hiệp hai vất vả cho hàng phòng ngự Việt Nam. Phút 46, hàng phòng ngự Việt Nam cắt được đường tấn công áp sát khu cấm địa. Chỉ một phút sau, Suksomkit đánh đầu cận thành, nhưng Tấn Tài kịp chặn bóng ngay trước vạch cầu môn sát chân cột dọc, sau khi Hồng Sơn đã bị đánh bại.
Nhưng cũng như hiệp đầu, Việt Nam không hề bị động trong phòng ngự. Họ thỉnh thoảng lại ra đòn đáp trả để khiến Thái Lan phải điều nhịp và giảm hưng phấn. Phút 48, Việt Thắng dứt điểm trong khu cấm địa, sau đường chuyền bằng đầu nhưng không thắng được Kosin. Phút 52, Việt Nam lại có pha phản công rất nhanh, với thế hai đánh một. Nhưng Tài Em sút đúng vào vị trí của thủ môn Kosin, lãng phí thời cơ gia tăng khoảng cách.
Phút 54, Thonglao đột phá nhanh vào chính giữa khu cấm địa, nhưng kết thúc bằng cú ngã do không vượt qua nổi các hậu vệ Việt Nam. Phút 56, Hồng Sơn cắt bóng ngay trước chân Sukha. Phút 61, Hồng Sơn ôm gọn quả phạt góc bổng. Phút 64, anh bật người lại phía sau, cản được cú sút căng từ sát khu cấm địa.
Phút 68, Thái Lan nóng vội suýt dính đòn phản công nữa, khi chỉ còn hậu vệ cuối cùng kịp hóa giải đợt lên bóng của các cầu thủ áo trắng.
Mạo hiểm dâng cao nên không ít lần dính đòn hụt, nhưng cuối cùng nỗ lực tấn công không ngừng nghỉ cũng mang lại cho Thái Lan bàn gỡ 1-2 ở phút 75. Tiền đạo mới vào thay Ronnachai Rangsiyo đánh đầu cận thành sau đường căng ngang của Samana. Thủ môn Hồng Sơn vồ hụt, bóng đập cột dọc nảy ra, nhưng bật vào chân anh và ngược trở lại lưới. (xem video)
Chỉ hơn một phút sau đó, tiền đạo Dangda sút tung lưới Hồng Sơn, nhưng bị phạt việt vị trong tình huống nhạy cảm. Các pha quay chậm cho thấy tiền đạo của Thái Lan không việt vị khi thoát xuống rất khéo, nhưng những nhận định như vậy của trọng tài trong các diễn biến nhanh thậm chí xảy ra ngay cả tại đấu trường đỉnh cao Champions League châu Âu.
Phút 81, Hồng Sơn lại tung người tuyệt đẹp, đẩy được cú đá phạt hàng rào rất căng. Phút 83, anh không thể bắt dính bóng, nhưng hàng phong ngự kịp can thiệp. Trận đấu khép lại cùng một số cơ hội bị Thái Lan bỏ lỡ.
Người hâm mộ Việt Nam cũng có mặt không ít trên sân Rajamangala. Ảnh: Reuters. |
Lượt về diễn ra tại Mỹ Đình, 19h ngày 28/12.
Thành tích đối đầu Việt Nam – Thái Lan
Tiger Cup 1996 (bán kết): Thái Lan - Việt Nam: 4-2
Tiger Cup 1998 (bán kết): Thái Lan - Việt Nam: 0-3
Tiger Cup 2002 (bán kết): Thái Lan - Việt Nam: 4-0
AFF Cup 2007 (bán kết): Thái Lan – Việt Nam (0-0, 2-0)
SEA Games 1995
Vòng bảng: Thái Lan - Việt Nam: 3-1
Chung kết: Thái Lan - Việt Nam: 4-0
SEA Games 1997 (bán kết): Thái Lan - Việt Nam: 2-1
SEA Games 1999
Vòng bảng: Thái Lan – Việt Nam: 0-0
Chung kết: Thái Lan – Việt Nam: 2-0
SEA Games 2003
Vòng bảng: Thái Lan -Việt Nam: 1-1
Chung kết: Thái Lan - Viẹt Nam: 2-1
SEA Games 2005
Chung kết: Thái Lan - Việt Nam: 3-0
AFF Cup 2008:
Vòng bảng: Thái Lan - Việt Nam 2-0
Chung kết:
Lượt đi Thái Lan - Việt Nam 1-2
Lượt về Việt Nam - Thái Lan, 19h ngày 28/12 ở Mỹ Đình
T.T.
|