Tây Ban Nha đón Cup. Ảnh: Reuters. |
Với dàn cầu thủ kỹ thuật cao, Tây Ban Nha năm nay không những thi đấu đẹp theo truyền thống, mà còn pha chút thực dụng khi điều nhịp diễn biến và rất tỉnh táo trong phòng ngự. Họ ghi nhiều bàn thắng nhất giải (12; so với 10 của Hà Lan và Đức), đạt hiệu số bàn thắng thua cao nhất (+9), và kể từ vòng tứ kết thì chưa thua bàn nào. Tân vô địch châu Âu đã lên ngôi với sự đồng đều tuyệt vời ở tất cả các tuyến: thủ thành Casillas tài năng, hàng phòng ngự chắc chắn, tuyến tiền vệ kỹ thuật và sáng tạo, cùng hàng công hiệu quả (Villa trở thành Vua phá lưới với 4 bàn, Torress 2 bàn, Guiza 2 bàn). Những cầu thủ dự bị của đội bóng xứ đấu bò cũng thuộc hàng chất lượng cao, và HLV Luis Aragones đã rất thành công khi sử dụng hợp lý những siêu dự bị, đặc biệt là Fabregas - cầu thủ hay nhất trận bán kết thắng Nga.
Qua những màn trình diễn trước khi vào chung kết, Tây Ban Nha được giới chuyên môn đánh giá nhỉnh hơn Đức, cả về lực lượng lẫn phong độ và đấu pháp. Đức chỉ hơn ở bề dày truyền thống thành tích (trong khi Tây Ban Nha không danh hiệu kể từ sau lần vô địch Euro 1964, thì Cỗ xe tăng trong khoảng thời gian đó đã 3 lần đăng quang châu Âu và 2 lần vô địch thế giới) và ý chí chiến đấu tới phút chót. Thực tế tối qua cho thấy, Đức đã nhập cuộc đầy quyết tâm, sớm có cơ hội và nỗ lực kiếm bàn tới phút cuối. Nhưng chừng đó là không đủ để bù lấp cho khoảng cách về trình độ giữa hai bên trong cuộc so tài ở chung kết năm nay. Hàng thủ Tây Ban Nha có đôi phen mắc lỗi trước những pha phối hợp khoa học của người Đức. Nhưng đội bóng áo đỏ nhanh chóng giành lại quyền chủ động sau ít phút đầu để đối thủ chơi nhanh, nhờ kỹ thuật cá nhân siêu hạng của các tiền vệ, cự ly đội hình hợp lý cùng sự hài hoà giữa công và thủ. Tây Ban Nha chính xác, biến hoá trong các miếng tổ chức hãm thành, và nếu dứt điểm tốt hơn thì có lẽ tỷ số không dừng lại ở 1-0.
Kết thúc 90 phút so tài, các tuyển thủ Tây Ban Nha cuốn ông già Aragones - chiến lược gia nhiều tuổi nhất tại Euro năm nay (69) - vào vòng xoáy ăn mừng rực màu đỏ. Tất cả như cuồng say, sau nhiều năm liền mang tiếng học tài thi phận (Tây Ban Nha đấu vòng loại tốt, nhưng thường sớm chia tay các vòng chung kết giải lớn). Với bộ khung trẻ trung và mạnh mẽ hiện tại, Tây Ban Nha tiếp tục được đánh giá là ứng viên nặng ký cho ngôi cao tại World Cup 2010 ở Nam Phi.
Trong khi đó, nhà cầm quân trẻ Joachim Loew (48 tuổi) không thể giấu được nỗi buồn, dù với phong độ thể hiện tại giải năm này thì Đức trở thành á quân Euro 2008 đã là một thành công. Còn Ballack, một lần nữa anh phải ôm nỗi đau của ngôi sao chuyên về nhì. Năm 2002, anh cùng hiện tượng Leverkusen đứng trước thời cơ ăn ba, nhưng cuối cùng chỉ là á quân của Champions League, cũng không giành được danh hiệu ở Bundesliga và Cup quốc gia Đức. Mùa hè năm đó, tại chung kết World Cup, anh không được góp mặt (vì thẻ phạt), và các đồng đội đã thất bại trước Brazil. Mùa vừa xong, Ballack lại chỉ cùng Chelsea về nhì ở Ngoại hạng, Cup Liên đoàn và Champions League. Anh kịp bình phục chấn thương để dự chung kết tối chủ nhật, nhưng rồi cũng chỉ đủ sức cùng đồng đội tránh một thất bại đậm hơn tỷ số 0-1.
Ballack lại thua ở chung kết. Ảnh: AFP. |
Tây Ban Nha chịu tổn thất khi mất sát thủ số một David Villa (chấn thương ở bán kết). Nhưng đúng như dự đoán của giới chuyên môn, điều đó không ảnh hưởng quá nhiều tới cách vận hành chiến thuật của "đàn bò tót". Cesc Fabregas - nhạc trưởng của Arsenal - có cơ hội vào sân từ đầu, và Tây Ban Nha tiếp tục thành công với đội hình 4-1-4-1. Bên kia sân, Michael Ballack không phải ngồi ngoài như lo ngại của dư luận Đức trước giờ quyết chiến. Nhưng sự hiện diện của anh cũng không giúp được gì nhiều cho Đức khi giáp mặt một Tây Ban Nha hơn hẳn mọi mặt.
Xét toàn trận, Tây Ban Nha thắng rất xứng đáng. Nhưng chính Đức là đội có cơ hội để sớm tạo sự khác biệt, có điều họ đã bỏ qua những khoảnh khắc quý giá hiếm hoi đó. Phút thứ 3, Tây Ban Nha thiếu chút nữa phải trả giá vì sai lầm của hàng phòng ngự. Hậu vệ phải Ramos chuyền ngang bất cẩn bên phần sân nhà, tạo điều kiện cho Klose đoạt bóng ngay trong khu cấm địa. Nhưng tiền đạo này chưa kịp dứt điểm thì đã bị trung vệ Puyol lao về truy cản thành công. Phút thứ 8, hệ thống phòng thủ của Tây Ban Nha lại bị phá vỡ. Tiền vệ trung tâm Hitzlsperger có thời cơ dứt điểm ở vị trí khá thoáng, nhưng anh sút quá nhẹ.
Nhưng kể từ phút 13, Tây Ban Nha liên tục cho hàng phòng ngự Đức hiểu cảm giác chịu đựng sức ép như các đội đã bị "đàn bò tót" vượt qua trên đường tới đỉnh châu Âu. Tiền vệ Iniesta có bóng bên phải khu phạt đền, thực hiện đường căng ngang sệt cắt mặt cầu môn Đức, khiến cho Metzelder luống cuống phá bóng như sút về lưới nhà. Nhưng thủ thành Lehmann kịp bay người dùng một tay đẩy bóng cứu nguy. Phút 22, Torres bật cao đánh đầu sau đường chuyền bổng tuyệt vời của Ramos từ cánh phải, đưa bóng dội chân cột dọc, khi Lehmann bay người trong vô vọng. Ngay sau đó, Capdevila sút bồi chệch cột dọc phía xa.
Sau những phút oằn mình chống đỡ, Đức tìm được cơ hội hiếm hoi ở phút 24. Ballack tung vôlê mạnh trong tình huống lộn xộn sau quả phạt góc, nhưng Ramos bật cao dùng người cản bóng trong khu phạt đền. Không chớp được một vài tình huống hiếm hoi để bất ngờ tạo lợi thế, Đức đã phải chứng kiến Tây Ban Nha biến thế trận trên cơ thành bàn mở tỷ số ở phút 33. Torres bứt phá thần tốc sau đường chọc khe có phần hơi mạnh của Xavi, vượt qua hậu vệ Lahm chạy phía trước và sút kỹ thuật ngay khi đối mặt Lehmann. Bóng bay qua người cựu thủ thành Arsenal, lao thẳng vào cầu môn bỏ trống. Đây là bàn thắng thứ hai của tiền đạo đội Liverpool tại Euro 2008. Chỉ hơn một phút sau, sóng gió lại ập tới cầu môn của Đức. Nhưng Silva vội vàng dứt điểm vọt xà ở vị trí tự do bên phải khu cấm địa, bỏ qua cơ hội tuyệt vời nâng tỷ số lên 2-0.
Fernando Torres (đỏ) ghi bàn quan trọng, chấm dứt mọi chỉ trích nhằm vào anh ở những trận vừa qua. Ảnh: AP. |
Sau giờ nghỉ, Đức đương nhiên phải dâng cao đội hình tấn công tích cực và mạo hiểm hơn. Nhưng Tây Ban Nha không bị cuốn theo nỗ lực đẩy cao tốc độ của đối phương. Họ kiểm soát bóng một cách mềm mại mà chặt chẽ, và duy trì được nhịp điệu, đồng thời tung ra những cú dứt điểm nguy hiểm đầu tiên của hiệp hai. Phút 50, Xavi sút chệch cột dọc góc xa gang tấc, từ ngoài khu cấm địa. Phút 53, tới lượt Silva kết thúc không thành công ngay trong khu cấm địa. Không thể chủ động vây hãm cầu môn Tây Ban Nha, Đức cũng lãng phí luôn cả những cơ hội phát sinh từ sai lầm hiếm hoi của hàng thủ đối phương. Phút 59, Puyol để mất bóng, nhưng Ballack sút không tốt từ sát mép khu 16m50, đưa bóng đi chệch cột dọc góc gần.
Không ào ạt, chỉ dựa vào những pha phối hợp nhuần nhuyễn từ nhiều hướng, Tây Ban Nha đã ghi bàn và vượt qua các đối thủ theo kiểu như vậy suốt từ đầu giải. Tối qua, họ không đạt hiệu suất làm bàn cao, nhưng lối chơi mềm mại biến hoá đó khiến Đức phải trải qua những giờ phút nghẹt thở, và vì thế không có nhiều thời gian để vùng lên xoay chuyển cục diện. Phút 65, Ramos lao người đánh đầu như tên bắn sau cú đá phạt từ chân Xavi, đưa bóng đi căng về phía góc cao. Nhưng Lehmann đã kịp khép góc gần, tung người đẩy bóng ra biên. Chỉ hơn 60 giây sau, tới lượt Iniesta kết thúc mạnh như búa bổ, nhưng Frings kịp dùng đầu gối cản phá sát cột dọc. Phút 68, lại là Iniesta sút đúng vị trí của Lehmann. Phút 80, tiền vệ phòng ngự Senna sút hụt từ cự ly gần trong tư thế không ai kèm, lãng phí đường chuyền ngon ăn của Guiza từ mé trái khu cấm địa đội Đức. Trước đối thủ cầm bóng quá tốt và tỉnh táo tới phút chót, Đức không thể gia tăng sức ép để tìm kiếm một cuộc ngược dòng như khi hạ Thổ Nhĩ Kỳ tại bán kết.
Đội hình thi đấu:
Đức: Lehmann, Friedrich, Metzelder, Mertesacker, Lahm (Jansen 46), Hitzlsperger (Kuranyi 58), Frings, Podolski, Ballack, Schweinsteiger, Klose (Gomez 79).
Dự bị không sử dụng: Enke, Adler, Fritz, Westermann, Rolfes, Neuville, Trochowski, Borowski, Odonkor.
Tây Ban Nha: Casillas, Sergio Ramos, Puyol, Marchena, Capdevila, Senna, Iniesta, Fabregas (Alonso 63), Xavi, Silva (Santi Cazorla 66), Torres (Guiza 78).
Dự bị không sử dụng: Palop, Reina, Albiol, Fernando Navarro, Villa, Sergio Garcia, Arbeloa, Juanito, De la Red.
Bàn thắng: Torres 33.
Khán giả: 51.428
Trọng tài: Roberto Rosetti (Italy).
Trần Nam