"Nếu tụ họp tất cả thành viên ngôi nhà không đủ chỗ", bà Rophia nói. Căn nhà của họ có chiều ngang 4 m, dài 20 m là nơi sinh sống của gia đình ba thế hệ.
Nửa thế kỷ trước, cha của bà Rophia là ông Salayman, người gốc An Giang di cư đến hẻm 157 đường Dương Bá Trạc, quận 8 sinh sống. Con hẻm là một trong 16 giáo khu đạo Hồi Islam đông dân nhất TP HCM với khoảng 3.000 người.
Vợ chồng ông Salaymancó 10 người con, trừ một người chuyển đến TP Long Khánh, Đồng Nai sinh sống, những người còn lại lần lượt lập gia đình nhưng không có điều kiện ra ở riêng.
Ông Salayman qua đời vào năm 2004 và số thành viên gia đình hiện tại là 40 người. Căn nhà có hai gác lửng, phân làm 10 phòng là chỗ ngủ cho mọi người. Họ sử dụng chung hai nhà bếp đặt trước và sau nhà.
"Chúng tôi chung sống hòa thuận và nhường nhịn nhau", bà Rophia, con gái thứ bảy của ông Salayman, nói. "Mọi người luân phiên đi làm bên ngoài nên nhà không mấy chật chội".
Lúc sinh thời, ông Salayman là người dạy con cháu các triết lý đạo Hồi. Các con từ bé đều được học chữ Arab, hành lễ ở thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar cách nhà 50 m.
Theo truyền thống của người theo đạo Hồi tháng ăn chay Ramadan là dịp đặc biệt nhất. Năm nay lễ bắt đầu từ ngày 11/3 và kéo dài một tháng.
Hơn một trăm hộ ở hẻm 157 đường Dương Bá Trạc thường chuẩn bị cho tháng Ramadan từ đầu tháng 3. Các tín đồ trang trí dây đèn, cờ ở các ngõ nhỏ trong hẻm. Dịp này, khu vực gần thánh đường Jamiul Anwar, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng đặc biệt nhộn nhịp vào giờ chiều, tối. Người dân trong hẻm và tín đồ theo đạo Hồi từ nơi khác cũng đổ về đây để mua thực phẩm Halal.
Suốt tháng lễ, gia đình không ăn, uống vào ban ngày, kể cả nước bọt cũng cố gắng không nuốt vào như thông thường. Các sinh hoạt ăn uống chỉ diễn ra khi mặt trời lặn, lúc 18h10 hàng ngày.
Chị con dâu Adam Marryna, 40 tuổi, thường chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình vào lúc 3h30 để kịp ăn trước 4h sáng. Cô sử dụng nguyên liệu Halal thịt gà, cừu, bò hoặc rau củ được mua từ hàng xóm gần nhà, những người cùng theo đạo Hồi.
Marryna nói ngày thường, mỗi gia đình tự nấu ăn, dùng bữa nhưng Ramadan là dịp họ ăn cùng nhau. "Các thành viên ngủ muộn không kịp ăn trước 4h sáng xem như bỏ bữa, họ phải nhịn đến chiều tối", cô nói. "Bữa cũng chỉ ăn một, hai bát cơm chứ không cố ăn dồn quá nhiều".
Gia đình có gần chục trẻ em. Trong tháng Ramadan, các em dưới 10 tuổi được ăn uống như bình thường. Tuy nhiên, từ khi lên 13 tuổi các em sẽ tập nhịn chay nửa ngày, đến khoảng 12h bởi còn sinh hoạt học tập ở trường.
Adam Marryna dạy con các ý nghĩa của việc nhịn ăn, nhằm bày tỏ sự cảm thông với những người nghèo đói, thiếu ăn và rèn luyện sự cám dỗ trước vật chất.
Bữa ăn chính trong ngày bắt đầu sau 18h10 được những người phụ nữ cùng nhau chuẩn bị trước đó hai, ba tiếng. Họ ưu tiên các thực phẩm mềm như cháo, rau xào, xoài chín hoặc dưa hấu. Các món nước như trà, sương sáo, nước sâm được thay phiên hằng ngày.
"Chúng tôi dùng nước trước để làm dịu cổ họng, thực phẩm mềm để cơ thể dễ thích ứng sau một ngày nhịn", bà Rophia giải thích.
Phong tục duy trì hàng chục năm, từ khi họ bắt đầu trưởng thành nên không cảm thấy mệt mỏi, đói bụng hoặc kiệt sức. Rượu, bia là cấm kỵ nên gia đình không có bất kỳ ai say xỉn, gây gổ.
Trong khi phụ nữ dùng bữa xả chay, khoảng 10 đàn ông trong gia đình sẽ đến thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar hành lễ. Họ đội mũ kapeak, áo sơ mi và quấn xà rông cùng nhau đọc kinh Koran để cầu phúc. Sau đó, họ dùng bữa ở thánh đường gồm bánh khoai mì, cháo và gỏi, do người dân trong giáo khu góp nguyên liệu và chuẩn bị.
Ông Haji Kim Sô, 72 tuổi, là trưởng ban quản trị cộng đồng người Chăm giáo khu Anwar cho biết gia đình bà Rophia sinh sống ở khu vực hơn 40 năm. Họ là dân lao động có kinh tế khó khăn nhưng sống gắn bó, chan hòa và yêu thương nhau.
Trước bữa xả chay chiều 13/3, bà Rophia nhắc con nhanh chóng dọn bát, đĩa, còn nhóm các cháu ngồi xích lại gần nhau để tiết kiệm diện tích. Đúng 18h10, họ nâng ly cùng lúc tiếng đọc kinh từ thánh đường vang lên.
Ngọc Ngân