Bố mẹ tôi lấy nhau từ hai bàn tay trắng. Bố làm công tác ở thôn, khi rảnh lo chuyện đồng áng, chăn nuôi nhỏ lẻ... thu nhập không được bao. Riêng mẹ tôi đi chợ bán rau quả, kiếm bữa cơm cho gia đình và có đồng ra đồng vào nuôi các con học hành.
Mỗi ngày đi chợ, ngoài thức ăn cho gia đình, mẹ để dư khoảng 100.000 đồng. Tháng nào mẹ cũng mua một chỉ vàng, dù có đủ tiền hay không. Bí quyết của mẹ là không bao giờ trả đủ tiền mua vàng. Ví như giá một chỉ vàng 3,5 triệu đồng thì mẹ tôi chỉ trả trước 3 triệu cho người bán hàng. Tháng sau, mẹ mua chỉ vàng mới và trả số nợ cũ. Tương tự như vậy, tiền mua hàng bán mỗi ngày mẹ cũng chỉ trả một số vừa phải dù trong túi đang có tiền không để làm gì. Mẹ nói, biết mình đang nợ mới có động lực để tiết kiệm trả.
Số vàng dành dụm được, bố mẹ dùng để trang trải khi chúng tôi vào năm học mới, đến kỳ học phí hay khi đứa con nào ra trường cần phương tiện đi làm. Hiếm khi thấy bố mẹ phải vay mượn khi có việc.
Đối với chuyện ăn uống trong gia đình, mẹ chủ trương ăn ít nhưng chất lượng còn hơn ăn tràn lan. Nhà 7 người nhưng bữa cơm chỉ có một khúc cá giữa chừng 3 lạng ăn kèm rau luộc hoặc cũng chỉ có chừng ấy thịt thăn rang mặn. Đến nay anh em chúng tôi vẫn giữ thói quen ăn nhiều cơm mà ít thức ăn cũng vì thế.
Nhờ cách chi tiêu hợp lý, bố mẹ tôi đã nuôi được 5 người con học đại học, có công việc ổn định. Một số trong chúng tôi đã dựng vợ, gả chồng và đám cưới đứa con nào bố mẹ cũng có 5-7 chỉ vàng cho các con làm vốn. Món quà tuy không lớn nhưng nhắc nhở chúng tôi về tấm gương quản lý tiền bạc của mẹ.
Ngọc
Chia sẻ những bí quyết chi tiêu tiết kiệm hoặc bài học từ sai lầm trong chi tiêu của bạn tại đây hoặc về giadinh@vnexpress.net