Ao Bà Om nằm ở ấp Tà Cú, xã Nguyệt Hóa, Châu Thành, Trà Vinh. Để đến được đây, bạn đi dọc theo quốc lộ 53 về phía tây nam, cách trung tâm tỉnh Trà Vinh khoảng 7 km. Đây là một ao nước trong phẳng lặng, dài tầm 500 m và rộng 300 m mà dân gian hay gọi là Ao Vuông (do hình dáng gần giống hình vuông). Nếu đến đúng mùa thì ao còn được tô điểm bởi những bông sen hồng, bông súng đỏ lãng mạn.
Khí hậu tại Ao Bà Om mát mẻ quanh năm nên được người dân Trà Vinh đặt tên là Đà Lạt thứ hai. Bao bọc quanh ao là những cây sao, dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi phủ tán rợp cả vùng, tạo nên cảnh quan vừa thanh nhã, vừa mát lành. Những cây sao, cây dầu này có bộ rễ khổng lồ nổi trên mặt đất, tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ. Có bộ rễ lớn đến nỗi có thể tạo thành cái hang độc nhất vô nhị, trẻ con có thể chui vào vui chơi. Lại có bộ rễ cây trở thành ghế ngồi nghỉ chân của khách.
Ao Bà Om gắn chặt với truyền thuyết của người Khmer, là nguồn cội sinh ra cái tên cho danh thắng bây giờ. Chuyện kể rằng xưa kia tại xứ Thủy Chân Lạp, một vị quan tổ chức hai bên nam nữ thi đào ao để chống khô hạn, bên nào đào nhanh, sâu, rộng hơn thì thắng cuộc.
Bên nam chủ quan, ỷ có sức mạnh nên vừa làm vừa chơi. Phía nữ do Bà Om, một phụ nữ Khmer, chỉ huy miệt mài đào ngày đào đêm và hoàn thành trước khi mặt trời lên. Bà cho người đốt đèn treo cành cây để bên nam tưởng là sao Hôm chưa lặn nên vô tư vui chơi, chểnh mảng việc đào ao, làm ao quá nông cạn sớm bị lấp. Bên nữ cuối cùng thắng cuộc, Bà Om thì giành được quyền chọn chồng. Cái tên Ao Bà Om mới được đặt cho di tích này và tồn tại đến tận bây giờ.
Bên cạnh ao là bảo tàng văn hóa, nơi trưng bày những hiện vật đặc trưng trong cuộc sống của người Khmer. Đối diện bảo tàng có chùa Âng, được xem là ngôi chùa cổ kính nhất, độc đáo và đẹp nhất trong hệ thống hơn 140 ngôi chùa Khmer trên đất Trà Vinh.
Vào ngày lễ Tết hàng năm, Ao Bà Om là điểm sinh hoạt cộng đồng của cư dân Khmer. Đặc biệt nhất là lễ hội Ok Om Bok, con cháu Khmer từ thập phương đổ về cùng chung vui, nhảy múa, thả đèn nước…
Ao Bà Om được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996. Cùng với bảo tàng văn hóa và chùa Âng, bộ 3 quần thể danh thắng này là một trong những điểm không thể bỏ lỡ khi tới thăm Trà Vinh và khám phá văn hóa Khmer Nam Bộ.
Thu Phương