Đây là nội dung của kế hoạch cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội giai đoạn 2008-2012 do Thủ tướng ban hành ngày 14/3.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ trình Chính phủ ban hành nghị định về điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào tháng 9 hằng năm.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, vào quý 3 năm nay, Ban Tổ chức trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động sẽ trình Ban bí thư trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương và các chế độ phụ cấp theo quan hệ tiền lương mới.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ ngành quản lý, quý 2 năm nay, các bộ ngành phải trình Chính phủ đề án đổi mới cơ chế hoạt động và tài chính (trong đó có tiền lương và khung giá dịch vụ).
Đối với người có công, vào quý 4 hằng năm, Bộ Lao động sẽ trình Chính phủ điều chỉnh trợ cấp ưu đãi lộ trình cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2012.
Về bảo hiểm xã hội, Thủ tướng chỉ rõ, Bộ Lao động phải phối hợp với các bộ ngành trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp (thực hiện quý 1/2008), nghị định điều chỉnh mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (quý 3/2008).
Đề án cải cách tiền lương được bắt đầu từ năm 2003 và đến 2007 thì kết thúc. Tuy nhiên, theo như ông Hoàng Minh Hào, Vụ phó Lao động Tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, chính sách tiền lương hiện vẫn còn nhiều bất cập.
"Dù đã vào WTO, nhưng tiền lương vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường, chưa trả đúng công sức lao động bỏ ra, mà còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Hệ thống thang bảng lương phức tạp, còn có sự phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp, giữa các vùng miền", ông Hào thẳng thắn.
Chính vì vậy, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương khóa 10 đã quyết định tiếp tục cải cách tiền lương, giai đoạn 2008-2012. Việc phân công các bộ, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước là nhằm triển khai kết luận của Hội nghị.
Hiện mức lương tối thiểu chung của lao động là 540.000 đồng một người một tháng. Đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, Chính phủ quy định lương tối thiểu chia theo vùng. Với doanh nghiệp FDI, mức lương tối thiểu lần lượt là: 1.000.000; 900.000 và 800.000 đồng một tháng. Với doanh nghiệp nhà nước là 620.000; 580.000 đồng và 540.000 đồng.
Hồng Khánh