Biến đổi khí hậu do con người gây ra là thủ phạm dẫn đến những đợt nắng nóng gay gắt với các hoạt động như đốt than và phá rừng, theo kết quả phân tích nhiệt độ cực đoan toàn cầu của tổ chức Climate Central. Nhiệt độ trung bình của Trái Đất tháng 7 là 17,01 độ C, mức cao nhất theo ghi chép 175 năm của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), tăng 1,21 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20.
Tại Mỹ, nhiệt độ trung bình tháng 7 là 24,3 độ C, cao thứ 11 trong 130 năm qua. Thành phố Las Vegas ghi nhận mức nhiệt cao nhất mọi thời đại là 49 độ C vào ngày 7/7. Trong khi tại Washington DC, ngày 17/7 đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp nhiệt độ vượt ngưỡng 38 độ C, san bằng kỷ lục cũ của thành phố này về số ngày liên tiếp có nhiệt độ cao như vậy.
Báo cáo hàng tháng từ NOAA cũng cho biết, năm 2024 hiện có 77% khả năng trở thành năm nóng nhất lịch sử và chắc chắn nằm trong top 5. Châu Phi, châu Âu và châu Á đều ghi nhận tháng 7 nóng nhất lịch sử, trong khi ở Bắc Mỹ là tháng 7 nóng thứ hai.
Số liệu của NOAA khác với số liệu từ cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU). Copernicus sử dụng một bộ dữ liệu khác và tính toán rằng nhiệt độ trung bình tháng 7 năm nay cao thứ hai lịch sử, thấp hơn một chút so với tháng 7/2023. Tuy nhiên, cả hai cơ quan đều đồng ý về xu hướng nắng nóng kỷ lục đáng báo động.
Theo NOAA, nhiệt độ đại dương vào tháng 7 là mức ấm thứ hai từ trước đến nay, cùng kết quả với Copernicus. Tuần trước, các nhà khoa học Copernicus lưu ý rằng nhiệt độ không khí trên đại dương vẫn cao bất thường ở nhiều khu vực dù có sự chuyển đổi từ kiểu thời tiết El Nino (góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu) sang kiểu thời tiết trái ngược là La Nina (có tác dụng hạ nhiệt).
Nhiệt độ tăng cũng tạo điều kiện cho các hệ thống bão trở nên mạnh hơn và xảy ra thường xuyên hơn. Thời tiết càng ấm, nước bốc hơi càng nhiều, cung cấp sức mạnh cho các hệ thống nhiệt đới vốn đang hình thành và mạnh lên ở những vùng biển có nhiệt độ bề mặt cao hơn trung bình. Ngoài ra, nhiệt độ cao hơn còn dẫn đến tình trạng hạn hán tệ hơn, có thể gây ra cháy rừng.
Biến đổi khí hậu thúc đẩy các hiện tượng thời tiết cực đoan hoành hành chỉ trong vài tuần gần đây. Tại thành phố Cape Town, Nam Phi, hàng nghìn người phải sơ tán do mưa lớn, gió mạnh, lũ lụt và nhiều thảm họa khác. Ngày 7/7, mưa lớn gây lở đất trên đảo Sulawesi, Indonesia, khiến hơn 10 người thiệt mạng. Các nhà chức trách Nhật Bản cho biết hơn 120 người đã chết trong đợt nắng nóng kỷ lục ở Tokyo tháng trước.
Bão Beryl lập nhiều kỷ lục khí tượng, chủ yếu về sự hình thành và cường độ, ví dụ như là cơn bão mạnh nhất phát triển trong Vùng Phát triển Chính (MDR) của Đại Tây Dương trước tháng 7 và là cơn bão đạt cấp 5 sớm nhất theo thang Saffir-Simpson. Beryl gây hậu quả thảm khốc khi đổ bộ vào đất liền đến ba lần trong một tuần, đầu tiên là quốc đảo Grenada ngày 1/7, tiếp theo là bán đảo Yucatan, Mexico, ngày 5/7 và cuối cùng là Texas, Mỹ, ngày 8/7.
Tại bang California, Mỹ, hơn 13.000 người đã phải sơ tán vào ngày 2 - 3/7 do một vụ cháy rừng nghiêm trọng có tên Đám cháy Thompson. Ngày 24/7, Đám cháy Park bùng phát và trở thành đám cháy lớn thứ tư trong lịch sử bang này với diện tích hơn 1.600 km2.
Tại Mỹ, từ tháng 1 đến cuối tháng 7/2024, số lượng các sự kiện thời tiết và khí hậu gây tốn kém trên một tỷ USD là 19, nhiều thứ hai chỉ sau giai đoạn tháng 1 - 7/2023. Riêng trong năm nay, Mỹ đã có ít nhất 149 người thiệt mạng do các sự kiện này với tổng thiệt hại lên tới hơn 49,6 tỷ USD.
Thu Thảo (Theo Space, AFP, CNN)