Các nạn nhân nhiễm dioxin. Ảnh: TN |
Sau khi nhận được văn bản phản bác của bên bị, ngày 22/3 đại diện các nạn nhân Việt Nam (bên nguyên) sẽ trình văn bản bổ sung các bằng chứng và lập luận chống lại bị đơn. Dự kiến phiên tranh tụng đầu tiên tại tòa phúc thẩm sẽ được tổ chức vào khoảng giữa tháng 4.
Để có thể củng cố các dữ liệu khoa học chứng minh sự nguy hiểm của chất da cam nói chung và chất diệt cỏ trong chiến tranh tại Việt Nam, Hội nạn nhân chất da cam Việt Nam (Vava) liên tục có các buổi làm việc với những nhà khoa học chuyên ngành của quốc tế như Nga, Nhật, Mỹ, Pháp. Hầu hết các nhà khoa học nước ngoài đều đưa ra những lý lẽ, quan điểm khẳng định sự tồn dư của dioxin tại Việt Nam và những ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và sức khỏe con người.
"Gần như chắc chắn đây là nơi dân cư bị phơi nhiễm dioxin nặng nề nhất. Họ không giống như cựu chiến binh - những người đã ở đó chỉ vài năm. Những người dân này phải sinh sống ở đó" - David Carpenter, Giám đốc Viện Nghiên cứu sức khoẻ và môi trường thuộc Đại học Tổng hợp Albany, cho biết.
Hội nạn nhân chất da cam Việt Nam cũng tổ chức các đoàn đi vận động sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Hồi đầu tháng 11, phó chủ tịch Hội, GS Nguyễn Trọng Nhân và các nạn nhân đã lên đường sang Mỹ để tuyên truyền về hậu quả của chất da cam/dioxin. Những ngày này, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, chủ tịch danh dự của Vava cũng dẫn một đoàn sang các nước châu Âu để vận động sự ủng hộ và hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Ngày hôm qua, thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, chủ tịch Hội nạn nhân chất da cam Việt Nam, cũng đã ra lời kêu gọi sự ủng hộ và hỗ trợ của nhân dân trong và ngoài nước. Ông viết: "Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thiết tha kêu gọi các bạn và tất cả những người có lương tri trên thế giới hãy giúp đỡ họ không chỉ về vật chất, tinh thần nói chung mà còn cần phải lên tiếng đòi công lý mạnh mẽ và rộng rãi hơn nữa. Chúng ta hãy ra sức giúp đỡ các nạn nhân cũng như vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, sự quan tâm của các bạn sẽ không chỉ vì nạn nhân Việt Nam mà còn vì các nạn nhân ở nhiều nước khác trên thế giới".
Trong 10 năm (1961-1971) Mỹ thực hiện chiến dịch Operation Ranch Hand, sử dụng các chất diệt cỏ để phát quang cây cối. Máy bay và pháo trên xe tải của Mỹ đã rải khoảng 12 triệu gallon thuốc diệt cỏ xuống miền Nam Việt Nam nhằm tước đi vỏ bọc của đối phương. Sự tàn phá bằng một khối lượng hoá chất độc khổng lồ, bao gồm nhiều loại tác nhân có chứa các tạp chất độc, như tác nhân Trắng (chứa thạch tín), tác nhân Xanh (chứa hexachlorobenzen), đặc biệt chất da cam có chứa hàm lượng dioxin rất cao, đã làm những cánh rừng dày đặc 3 tầng của Việt Nam thành trơ trọi, chỉ còn bao phủ bởi cây bụi vô dụng mà người Việt Nam gọi là cỏ Mỹ. Đến nay, thuốc diệt cỏ vẫn gây tác hại đối với đất đai con người. 17% diện tích miền Nam Việt Nam bị nhiễm độc, khoảng 4-5 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó khoảng 3 triệu nạn nhân, gần một nửa là dân thường. Những vết thương gây ra bởi các chất độc hoá học trong đất đai, trong trí não, trong thân thể của những người bị tác động ngày càng thể hiện rõ hơn, trong đó có nhiều căn bệnh tiềm ẩn, nguy hiểm và có tính di truyền như soft tissue sarcoma, non-hodgkin, spina bifida, dị dạng bẩm sinh.
Và theo ông David Carpenter, dioxin đã ở trong đất và chất cặn lắng từ rất nhiều năm nay, việc phơi nhiễm đối với đất và chất cặn lắng đã kéo dài tác hại của chất da cam. Đó là một phần nguyên nhân của những trường hợp bị dị tật nhiều thế hệ.
Trịnh Vũ