Theo ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh, các luật hiện nay đều khẳng định chất vấn là quyền của đại biểu, Ủy ban Thường vụ không có quyền.
"Nếu muốn chất vấn giữa hai kỳ họp thì phải đợi sau kỳ họp thứ ba (dự kiến đầu tháng 5/2008), nếu còn những vấn đề thành viên Chính phủ chưa trả lời, hoặc trả lời chưa thỏa mãn thì Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ tiến hành chất vấn vào giữa kỳ họp", ông Bình nói.
Dẫn ra điều 49 Luật tổ chức Quốc hội, điều 19 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định, có đủ cơ sở pháp lý để Ủy ban Thường vụ tiến hành phiên chất vấn giữa hai kỳ họp. "Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ hai vừa qua, Quốc hội đã không bàn giao cho Ủy ban Thường vụ, nên ngay từ bây giờ, Văn phòng Quốc hội phải đề nghị đại biểu gửi câu hỏi chất vấn", ông Lý đề xuất.
Riêng về việc tổ chức chất vấn tại Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, Phó chủ nhiệm Lý khẳng định: "Cơ sở pháp lý rất yếu, thiếu những quy định cụ thể".
"Nếu luật chưa cho phép thì Hội đồng và các Ủy ban có thể làm phiên điều trần", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lên tiếng và cho biết thêm nhiều bộ trưởng rất muốn được tranh luận, giải trình tại các cuộc họp của cơ quan này.
Cuối cùng, với đa số ý kiến tán thành, Thường vụ Quốc hội nhất trí sẽ tổ chức thí điểm phiên chất vấn đầu tiên vào tháng 3/2008, song chưa truyền hình trực tiếp. Riêng việc chất vấn tại Hội đồng dân tộc và các Ủy ban sẽ phải xem xét lại. Hiện nay, việc chất vấn các thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao mới diễn ra tại các kỳ họp Quốc hội.
Quốc hội sẽ giám sát việc bán cổ phần cho lao động
Cũng trong sáng nay, Văn phòng Quốc hội đề nghị năm 2008, Ủy ban Thường vụ tổ chức chuyên đề giám sát thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chuyên đề giám sát thứ hai sẽ lựa chọn hoặc là vay và trả nợ trong xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở địa phương, hoặc việc quản lý, sử dụng trái phiếu Chính phủ. Nếu chuyên đề an toàn giao thông được các ủy viên thường vụ nhất trí thì chuyên đề còn lại không nhận được sự đồng tình.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng tha thiết đề nghị đưa công tác giải quyết khiếu nại tố cáo vào nội dung giám sát năm 2008, thay cho chuyên đề về kinh tế, ngân sách. "Tình hình hiện nay rất bức xúc. Ngày nào nhiều cũng 20, ít là một người dân tới trước cửa nhà tôi khiếu kiện. Nếu tổ chức giám sát được thì Quốc hội sẽ có cơ sở thực tiễn để chuẩn bị tách Luật khiếu nại tố cáo thành hai luật như đề nghị của Chính phủ", ông Vượng nói.
Dường như thấy chưa đủ sức thuyết phục các ủy viên thường vụ, ông Vượng tiếp tục dẫn chứng: "Theo quy định, thủ trưởng phải trực tiếp tiếp công dân. Nhưng điều này hầu như không được thực hiện. Ngay Quốc hội chỉ cử một chuyên viên đến Văn phòng tiếp dân, do đó không thể nắm được tình hình. Chính cách làm không hiệu quả nên có ý kiến đề nghị giải tán văn phòng tiếp dân".
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lại đề nghị giám sát việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. "Hiện nay, đất đai đang bị lãng phí, các doanh nhà nước khi cổ phần hóa thường không tính đến giá trị đất. Rồi việc cổ phần hóa có biến thành tư nhân hóa, lao động có được mua cổ phần..., rất nhiều bức xúc cần giám sát", ông Kiên nói.
Trước nhiều đề xuất, cuối cùng, Ủy ban Thường vụ nhất trí 3 chuyên đề giám sát: an toàn giao thông; giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý đất đai, bán cổ phần cho lao động trong quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng để đảm bảo giá trị pháp lý, nâng hiệu quả của hoạt động giám sát, Thường vụ Quốc hội phải có nghị quyết đối với các chuyên đề giám sát, tránh nêu kết luận chung chung như lâu nay. Đồng tình với ý kiến này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: "Nghị quyết phải xác định rõ trách nhiệm, các giải pháp và thời gian thực hiện, phải theo đến cùng vấn đề giám sát, tránh để rơi vào quên lãng".
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan góp ý, báo cáo giám sát cần chỉ ra địa chỉ rõ ràng cơ quan, địa phương nào có sai phạm để cử tri và đại biểu tiếp tục hậu giám sát. "Hiện các báo cáo chỉ nêu một số nơi thế này, một số nơi thế kia, rất khó theo dõi", bà Doan nói. Phó chủ tịch nước cũng đề nghị nên sắp xếp các đoàn giám sát xuống địa phương một cách hợp lý, tránh gây tốn kém, lãng phí.
Hồng Khánh