Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, tháng 1/2025 nóng hơn 1,75 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, kéo dài chuỗi kỷ lục của năm 2023 và 2024 trong bối cảnh khí nhà kính do con người thải ra làm ấm hành tinh, AFP hôm 6/2 đưa tin. Các nhà khoa học khí hậu đã kỳ vọng giai đoạn ấm đặc biệt này sẽ dịu đi sau khi El Nino kết thúc vào năm ngoái và chuyển sang La Nina.
Trong khi El Nino làm nóng bề mặt đại dương thì La Nina là sự hạ nhiệt độ bề mặt đại dương ở những vùng rộng lớn thuộc khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương, đi kèm với gió, mưa và những thay đổi về áp suất khí quyển. Ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng nhiệt đới, La Nina mang tới những tác động khí hậu trái ngược với El Nino, dẫn đến hạn hán ở một số nơi và gây mưa lớn ở những nơi khác.
Tuy nhiên, nhiệt độ vẫn duy trì ở mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục kể từ đó, khiến giới khoa học tranh luận về những yếu tố khác có thể đang đẩy nhiệt độ lên cao. Họ cảnh báo rằng nhiệt độ tăng, dù chỉ một phần nhỏ của 1 độ, cũng làm tăng cường độ và tần suất của những hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, mưa lớn và hạn hán.
Tháng 1 năm nay ấm hơn 0,09 độ C so với mức cao trước đó vào tháng 1/2024 - một biên độ đáng kể xét theo nhiệt độ toàn cầu, nhà khoa học khí hậu Julien Nicolas từ Copernicus cho biết. "Đây là điều gây bất ngờ... không thấy hiệu ứng làm mát, hoặc ít nhất là giảm tạm thời, ở nhiệt độ toàn cầu như chúng tôi mong đợi", ông nói.
Đây là lần đầu tiên nhiệt độ ghi nhận trong thời kỳ La Nina cao hơn so với trong thời kỳ El Nino trước đó, theo chuyên gia Stefan Rahmstorf từ Đại học Potsdam. "Điều này rất đáng lo ngại - trong 60 năm qua, tất cả 25 tháng 1 của thời kỳ La Nina đều mát hơn tháng 1 của những năm lân cận", ông nói.
Bill McGuire, nhà khoa học khí hậu từ Đại học College London, nhận xét rằng thật "kinh ngạc và đáng sợ" khi tháng 1 vẫn giữ mức nhiệt cao kỷ lục dù La Nina xuất hiện.
La Nina năm nay được dự đoán là yếu. Copernicus cho biết, nhiệt độ hiện tại ở một số phần của khu vực Thái Bình Dương xích đạo cho thấy "sự chậm lại hoặc dừng của việc chuyển sang" hiện tượng làm mát này. Nicolas cho rằng nó có thể biến mất hoàn toàn vào tháng 3.
Các nhà khoa học đồng tình rằng việc đốt nhiên liệu hóa thạch dẫn đến sự ấm lên toàn cầu dài hạn, và thay đổi khí hậu tự nhiên cũng có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ từ năm này sang năm khác. Nhưng các chu kỳ ấm tự nhiên như El Nino không thể giải thích đầy đủ những gì xảy ra trong khí quyển và đại dương. Do đó, giới khoa học đang tìm kiếm câu trả lời ở những nơi khác.
Một giả thuyết là việc thế giới chuyển đổi sang nhiên liệu vận tải sạch hơn vào năm 2020 đã làm tăng tốc độ ấm lên vì lượng phát thải lưu huỳnh giảm, khiến mây phản xạ lại ít ánh sáng Mặt Trời hơn. Các nhà khoa học cho biết, giai đoạn hiện tại có khả năng là giai đoạn ấm nhất Trái Đất từng trải qua trong 125.000 năm.
Thu Thảo (Theo AFP)