![]() |
Phóng viên phải tiếp xúc với lao động Việt Nam tại Đài Loan qua song sắt. Ảnh: Thu Thủy |
Tại trại Đào Viên, nhạt nhòa trong nước mắt, Nguyễn Thị Thắm, sinh năm 1973, ở Nội Duệ, Tiên Du, Bắc Ninh, kể với giọng đứt quãng: "Em sang đây được gần 2 năm, làm hợp đồng chỉ được 3 tháng. Lúc ở nhà công ty môi giới bảo sang trông một cụ già, nhưng em phải trông 3 đứa trẻ con, phục vụ 3 đôi vợ chồng trẻ và 2 ông bà già, tất thảy 11 người". Không đủ sức, Thắm bỏ trốn, bỏ lại 3 tháng tiền công. Ra ngoài cô làm hàng cơm cho một bà chủ, chưa lấy được đồng lương nào thì chủ chết. Cuộc sống lang thang vật vạ khổ cực quá, Thắm ra đầu thú tại đồn cảnh sát huyện Đào Viên với hy vọng sớm được về nước.
Tương tự, Lê Thị Hiền sinh năm 1979, ở Hưng Lợi, Hưng Nguyên, Nghệ An, lại gặp phải bà chủ khó tính, cay độc. Vất vả quá, không chịu nổi nên Hiền bỏ trốn theo bạn bè ra ngoài sống bất hợp pháp. Để có việc làm, Hiền đã phải nộp 10.000 đài tệ cho môi giới, nhưng công việc mới có phần vất vả hơn nên cô lại trốn tiếp đến khi bị cảnh sát bắt và đưa vào trại Đào Viên. Hẩm hiu hơn là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hà, 42 tuổi, quê Quảng Trị. Qua song sắt trại giam, chị đã khóc hết nước mắt nên trông thật thảm hại. Chị thì thào: "Số tôi chẳng ra gì, 3 lần sang Đài Loan thì 3 lần đều gặp xui xẻo. Lần đầu được 6 ngày, lần sau được 1 tháng. Chán nản tôi bỏ trốn ra ngoài được 8 tháng thì bị bắt và hiện nằm trong trại hơn 1 tháng rồi".
Tại trại Bát Đức, cả 4 cô gái trẻ gồm Phạm Thị Mến (Bắc Giang); Nguyễn Thị Hoạt (Bắc Giang), Nguyễn Thị Hà (Quảng Trị) và Quan Thị Hà (Thanh Liêm, Hà Nam) đều nêu lý do bỏ trốn là nghe theo lời dụ dỗ của một người Đài Loan tên A Sài, và một chị người Việt tên Hương. Mặc dù đã mất hơn 10.000 đài tệ cho kẻ lừa đảo để có việc làm mới với hy vọng lương cao, nhưng cho đến ngày bị bắt vào trại Bát Đức, họ vẫn không lấy được đồng nào. Cả 4 người đều nằm trong trại hơn 1 tháng mà chưa biết ngày nào được về quê mẹ.
Tại trại Tam Hiệp, các cô gái Ngô Mỹ Linh (ở quận 8, TP HCM), Hồ Thị Bích Tuyền (Đồng Nai) và Nguyễn Thị Kim Thùy (Cần Thơ) cứ bám lấy phóng viên nói: "Chị ơi chúng em trót dại đi du lịch theo visa 14 ngày sang đây với hy vọng tìm kiếm việc làm, kiếm chồng. Tương lai không thấy đâu, chỉ khi bị bắt đưa vào trại không biết ngày về mới hối hận. Nếu không tìm ra đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép thì không biết khi nào chúng em mới được về... Nhờ chị nói giúp chúng em".
Không chỉ có phụ nữ nhẹ dạ cả tin mới phá bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, nam giới cũng bỏ trốn với mục đích kiếm tiền nhiều để trả cho khoản nợ vay trước khi xuất ngoại. Qua hàng song sắt trại giam Bát Đức, khuôn mặt Vũ Văn Hòa, sinh năm 1976, ở Thanh Xá, Nghĩa Hiệp, Yên Mỹ, Hưng Yên, trông rất nhợt nhạt. Hòa kể, đi xuất khẩu lao động qua Trung tâm Tralacen ngày 4/9/2003 và bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp được 6 tháng. Hòa bị một công ty môi giới bất hợp pháp ở Đài Loan rủ trốn ra ngoài với mức lương cao hơn. Anh đã chi hơn 10.000 đài tệ phí tìm việc cho môi giới, nhưng đến lúc phải trả tiền công thì chúng báo cảnh sát.
Đa số những người bị bắt giam đều tâm sự khi ở ngoài thì ai cũng muốn trốn, nhưng khi bị bắt lại muốn về nước ngay. Vào tù, không phải làm gì, ngày 3 bữa cơm hộp, chán quá các tù nhân ngồi tán gẫu, mãi rồi cáu gắt thành đánh chửi nhau. Cảnh sát Đài Loan có sáng kiến nếu ai cãi nhau thì xích tay rồi đến xích chân nếu còn tiếp tục. Một trong hai người muốn đi vệ sinh thì người kia phải đi cùng cho đến khi hòa giải được cảnh sát mới tháo khóa.
Ông Liêu Vi Nhân, Trưởng ban tác nghiệp lao động nước ngoài thuộc Cục huấn luyện nghề nghiệp (Ủy ban lao động Đài Loan), cho biết, đến cuối tháng 9, có 7.930 lao động Việt Nam bỏ trốn trên tổng số 80.890 người Việt đang làm việc tại Đài Loan. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước xuất khẩu lao động sang Đài loan, nhưng số bỏ trốn lại nhiều nhất, chiếm gần 10%. Hơn 2 năm nay, Ủy ban lao động Đài Loan đã báo động với doanh nghiệp Việt Nam về tình trạng này, thậm chí đe dọa sẽ ngừng tiếp nhận, nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Lao động bỏ trốn ngày càng nhiều.
Ông Nhân cho hay, từ tháng 5 vừa qua, cứ 10 thuyền viên Việt Nam sang thì có 3 người trốn, nên Ủy ban lao động Đài Loan phải dừng lao động ngư công. "Từ nay đến tháng 12, nếu Việt Nam không có biện pháp hữu hiệu, Đài Loan sẽ dừng lao động phục vụ xã hội và sau đó là lao động nhà máy. Chúng tôi rất mong Việt Nam cải thiện tình hình trước khi phải làm các bước trên", ông Nhân nói.
Thu Thủy