Việc thay thế những tấm kim loại ở thân ôtô bằng lớp vải mỏng hơn và nhẹ hơn rất nhiều có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Tuy nhiên, ý tưởng này không mới.
Lịch sử ngành hàng không từng ghi nhận, thời kỳ Thế chiến I, máy bay được phủ bằng lớp vải bọc bên ngoài thân bằng lớp gỗ ép. Kết cấu nhẹ nhưng đủ chắc để những chiến đấu cơ hoạt động như bình thường, dù dễ bị cháy.
Loại vật liệu đặc biệt có thể ứng dụng trên dòng ôtô điện ngày nay. Vải sẽ dùng để bọc ngoài bộ khung dây để tạo nên nắp ca-pô (nơi không còn động cơ đốt trong), ba-đờ-sốc, cửa xe, và cốp.
Ngoại thất bằng vải không chỉ giúp xe điện giảm hàng chục đến cả trăm kg, mà có thể giảm cả chi phí vật liệu và sản xuất, dẫn tới kết quả là giá xe điện giảm. Vải cũng giúp ngành công nghiệp ôtô ít dùng tới thép và nhôm hơn, có nghĩa không cần tới những công đoạn phức tạp và tốn kém, như dập, sơn, hay chống gỉ.
Vải còn mang tới một lợi ích khác: tính thời trang. Nếu cần màu ngoại thất mới, chủ xe đơn giản là mua loại vải mới, thay vì phải sơn cả xe. Vải bẩn, chỉ cần giặt sạch.
Ứng dụng mới nhất là mẫu BMW Gina concept ra mắt năm 2008. Gina là một chiếc xe thể thao mui trần hai chỗ ra đời dưới thời Chris Bangle và mất tới 7 năm để phát triển.
Gina sử dụng loại vải chống thấm nước do hãng chuyên đồ ngoài trời Jack Wolfskin sản xuất. Sợi vải sử dụng trên xe gọi là Texapore Softshell, loại vật liệu rất nhẹ được thiết kế đặc biệt giúp ánh sáng xuyên vào trong nội thất.
Trước đó khá lâu, Velorex là mẫu xe 3 bánh cỡ nhỏ sản xuất tại Solnice, CH Czech, từ những năm 1950 đến 1971 nổi bật giữa số đông bởi thân xe làm từ loại vật liệu vốn chỉ dùng trong nội thất. Tác giả của sản phẩm là hai anh em nhà Stransky, chủ một xưởng sửa chữa xe đạp.
Việc ứng dụng giờ đây phụ thuộc vào các nhà thiết kế, sáng chế, và công nghệ. Còn rất nhiều yếu tố thách thức khác đối với loại vật liệu đặc biệt là vải nếu dùng để làm thân xe: như chống cháy, hay khả năng hấp thu va chạm trong trường hợp tai nạn. Nhưng những lợi ích mà loại vật liệu này mang lại có thể dẫn tới khả năng ứng dụng trong thực tế.
Mỹ Anh (theo Motor1)