"Các ông nghĩ một mạng sống đáng giá từng này sao?", AFP dẫn lời một thân nhân hôm nay. "Tôi không nói vì tiền. Tôi yêu cầu chính quyền giải thích".
Trước đó, vào cuối ngày hôm qua, giới chức quận Hoàng Phố, Thượng Hải, tuyên bố sẽ bồi thường cho mỗi gia đình nạn nhân 800.000 nhân dân tệ, tương đương 130.000 USD. Họ không tiết lộ số tiền này được tính như thế nào và chỉ cho hay mức độ bồi thường dựa theo luật pháp.
Người nhà của một nạn nhân khác cũng cho rằng số tiền trên quá ít ỏi.
"Mức bồi thường này thậm chí không đủ. Với chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng ở Thượng Hải, số tiền ít ỏi này có thể làm được gì?".
Trong vụ tai nạn tàu cao tốc năm 2011, các thân nhân nhận được 915.000 nhân dân tệ (148.000 USD), dựa theo mức lương trung bình trong 20 năm ở tỉnh Chiết Giang, nơi xảy ra vụ việc. Tai nạn làm 40 người thiệt mạng xảy ra do lỗi thiết kế và quản lý kém.
Hôm qua, giới chức Thượng Hải cũng sa thải 4 quan chức cấp cao và kỷ luật hoặc giáng chức 7 người khác liên đới trong thảm kịch đêm giao thừa. Tuy nhiên, nhật báo China Daily cho rằng thị trưởng thành phố Yang Xiong nên xin lỗi công khai.
"Không có quan chức nào cấp thành phố bị xử phạt vì các nhà điều tra kết luận rằng chỉ những người liên quan trực tiếp đến thảm kịch mới phải chịu trách nhiệm", tờ báo viết. "Có nhiều lý do để thị trưởng thay mặt chính quyền thành phố đưa ra một lời xin lỗi công khai".
Báo cáo điều tra chính thức nhận định lỗi thuộc về các quan chức quận Hoàng Phố và cho biết họ chỉ dự kiến triển khai 350 cảnh sát ở Bến Thượng Hải và con đường gần đó.
Số cảnh sát đã tăng lên 510 người ít phút trước khi sự cố xảy ra nhưng đám đông đổ về đây đón năm mới lại lên tới ít nhất 300.000 người. Điều đó có nghĩa là có chưa đến một cảnh sát đảm bảo trật tự cho 600 người.
36 người đã thiệt mạng vì bị giẫm đạp và ngạt thở, hầu hết ở độ tuổi 20. 49 người khác cũng bị thương, dẫn đến vụ việc tồi tệ nhất ở Thượng Hải trong nhiều năm qua.
Anh Ngọc