Theo Straits Times, cuộc biểu tình tuyệt thực được một số người trong hơn 200 thân nhân tại 5 khách sạn ở Bắc Kinh tiến hành. Họ đã ở trong các khách sạn này kể từ khi chiếc máy bay mang số hiệu MH370 mất tích hôm 8/3.
Chỉ hai trong số những người được phỏng vấn nói rằng họ đang nhịn đói, nhưng một người dừng việc này sau vài giờ. Một phụ nữ tên Nan, ngoài 40, cho biết bà chỉ uống nước. "Đây là một cuộc biểu tình, chúng tôi cần một câu trả lời. Tôi sẽ biểu tình tuyệt thực lâu nhất có thể", bà nói.
Ông Jiang Cuiyan, cũng ngoài 40, chấm dứt tuyệt thực trước giờ ăn tối vì ông "không thể chịu được". "Nhưng nếu Malaysia Airlines và chính phủ không sớm cho chúng tôi câu trả lời, tôi sẽ lại bắt đầu", ông nói.
Wang Meng, 25 tuổi, nói các thành viên gia đình không bị ép tham gia tuyệt thực. Anh từ chối nói liệu anh đã tham gia tuyệt thực hay không. "Có những người già và những người vì điều kiện sức khỏe mà không thể làm điều đó, và không ai ép họ phải làm vậy", Wang nói. Mẹ anh là một trong số những hành khách mất tích. "Đây là điều một số gia đình muốn làm vì họ cảm thấy quá tuyệt vọng".
Nỗi thống khổ của thân nhân các hành khách MH370
Một số người khác nói họ sẽ tham gia nếu tình hình không được cải thiện. "Chúng tôi không thể hứa rằng sẽ không làm điều đó, bởi chúng tôi đã quẫn trí rồi", Chantel Qiu, người có bạn trên máy bay, nói.
Cuộc biểu tình được cho là do một phụ nữ trẻ khởi xướng. Hôm 18/3, cô nói với các phóng viên rằng nhiều gia đình "đang sắp không kiềm chế được nữa" và sẽ biểu tình tuyệt thực để buộc chính phủ Malaysia "nói ra sự thật".
Cả hãng hàng không và chính phủ Malaysia đang bị chỉ trích trong việc xử lý cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích. Nhiều người ở Trung Quốc nói họ bối rối sau những thông tin về vị trí máy bay và lần cuối liên lạc. Gần hai phần ba trong số 239 người trên máy bay là người Trung Quốc.
Trọng Giáp