Thằn lằn quỷ gai (Moloch horridus) là động vật bản xứ ở Australia, sống ở vùng đất nhiều bụi rậm và bên trong sa mạc, chủ yếu ăn kiến. Loài thằn lằn nhỏ này dài tới 20 cm và tiến hóa một loạt cơ chế tự vệ ấn tượng, bao gồm phần phụ ở sau cổ đóng vai trò như chiếc đầu giả, theo Live Science.
Khi bị đe dọa, thằn lằn nép chiếc đầu thật vào giữa hai chân trước, để đầu giả lộ ra. Cách tự vệ của chúng không dừng lại ở đó. Cơ thể chúng được bao phủ bởi gai nhọn, lớn cỡ gai hoa hồng, có thể khiến động vật ăn thịt chùn bước nhờ khiến thằn lằn trở nên khó bắt, cắn và nuốt hơn.
Thằn lằn quỷ gai cũng có thể phình to phần ngực để làm bản thân trông to lớn hơn khi đối mặt với mối đe dọa. Khi ở ngoài trời tìm kiếm thức ăn hoặc bạn tình, chúng cũng bước chậm rãi và giật giật, gây bối rối cho động vật ăn thịt. Đó là vì di chuyển chậm và gián đoạn có thể giúp thằn lằn ngăn chặn kích hoạt phản ứng rượt đuổi và tấn công của động vật ăn thịt, điều có thể xảy ra khi chúng phát hiện con mồi chạy nhanh.
Thằn lằn quỷ gai thích nghi cực tốt với môi trường nắng nóng khắc nghiệt. Trong điều kiện cực hạn, chúng vùi mình dưới cát để bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng. Sau đó, chúng sử dụng những rãnh trên da, nằm giữa lớp vảy để hút hơi ẩm từ cát và vận chuyển tới miệng như ống hút.
Chúng cũng có thể thay đổi màu sắc nhằm điều hòa nhiệt độ cơ thể và trao đổi chất. Vào buổi sáng mát mẻ, thằn lằn có màu nâu sẫm và chuyển dần sang màu vàng nhạt hơn khi nhiệt độ tăng cao và chúng hoạt động nhiều hơn. Màu sắc sáng cũng giúp phản chiếu nhiều ánh sáng Mặt Trời, ngăn chúng khỏi bị quá nhiệt. Tuy nhiên, thằn lằn cũng có thể thay đổi màu sắc nhanh chóng nhằm ngụy trang.
Thằn lằn quỷ gai được triển lãm lần đầu tiên ở London bởi nhà tự nhiên học kiêm thương nhân John Gould vào năm 1840. Nhưng tên khoa học của nó được đặt bởi nhà động vật học John Gray năm 1841. Trên thực tế, thằn lằn quỷ gai khá vô hại. Chúng có thể tiêu thụ hàng nghìn côn trùng một ngày, sử dụng chiếc lưỡi dính và hàm răng cứng chắc để bắt kiến.
An Khang (Theo Live Science)