Hai nhà nghiên cứu Greg Watson và Jolanta Watson ở Đại học Sunshine Coast quay phim thằn lằn mẹ thuộc loài thằn lằn bóng Cunningham (Egernia cunninghami) hung hăng tấn công một con rắn nâu phương đông ((Pseudonaja textilis) có nọc độc trên dãy núi Snowy phía đông nam Australia. Theo nhóm nghiên cứu, đây là hành vi rất bất thường đối với bò sát. Sử dụng camera và kỹ thuật chụp ảnh nhiệt, vợ chồng Watson theo dõi thằn lằn mẹ cắn con rắn và giữ nguyên trong vài giây trước khi nhả ra. Rắn nâu phương đông bị phát hiện trong lúc tìm cách đến gần thằn lằn con.
Nhóm nghiên cứu cũng ghi hình hai con thằn lằn bóng trưởng thành tấn công và cắn một con rắn nâu phương đông khác trong cuộc đụng độ tương tự, theo nghiên cứu công bố hôm 2/9 trên tạp chí Động vật học Australia. Ngoài ra, họ còn chứng kiến 12 trường hợp thằn lằn bóng đuổi chim ác là trước mặt con non.
Để tiến hành nghiên cứu, hai nhà khoa học quan sát thằn lằn bóng, động vật bản xứ ở vùng đông nam Australia, trong 32 ngày không liên tục suốt 3 năm. "Lúc đầu, chúng tôi định ghi chép cách thằn lằn bóng đối phó với biến đổi khí hậu, nhưng dần chuyển thành nghiên cứu về mối quan hệ gắn bó giữa thằn lằn bóng non và bố mẹ chúng", vợ chồng Watson chia sẻ. Theo họ, quan sát mới nhất có ý nghĩa quan trọng bởi phần lớn thằn lằn ít khi thể hiện dấu hiệu quan tâm con non hoặc hành vi hung dữ với động vật săn mồi. Những hành vi đó rất hiếm gặp trong môi trường tự nhiên.
Thằn lằn bóng Cunningham được đặt tên theo nhà thám hiểm Alan Cunningham, người đầu tiên tìm thấy mẫu vật về loài này. Chúng sống theo đàn ổn định với quan hệ xã hội. Chúng có sức mạnh tập thể bởi sống theo đàn giúp phát hiện những mối đe dọa dễ dàng hơn. Trong các đàn này, thằn lằn mẹ đẻ con non và sống cùng con trong vài năm. Nhóm nghiên cứu suy đoán thằn lằn bóng tỏ ra hung dữ với rắn và chim ác là có thể để tự vệ hoặc bảo vệ lãnh thổ. Nhưng hành vi trên vẫn thể hiện phần nào sự chăm sóc đối với con non.
An Khang (Theo Newsweek)