Đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 2.500 m, nằm trên dãy núi Trường Sơn, quanh năm mây mù bao phủ. Trên đó có 4 ngôi làng của người dân Xê Đăng, thuộc xã Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam). Để đến làng Tắk Ngo, từ huyện lỵ Nam Trà My, khách phải chạy xe máy 15 km đến trung tâm xã Trà Linh và đi bộ 2 giờ qua cánh rừng cổ thụ, với những con dốc dựng đứng.
Ngày cuối tháng tư, ngôi làng Tắk Ngo vắng vẻ, những nếp nhà sàn mọc san sát lưng chừng ngọn núi cửa đóng im ỉm. Đang vào vụ gieo trỉa lúa, bà con đi làm từ sáng, chỉ trở về khi mặt trời khuất núi.
Buổi tối, trong căn nhà sàn thấp nhỏ, ông Hồ Văn Lang (60 tuổi) với làn da đen rắn rỏi vui vẻ mời khách: “Mấy lúc các con lên chơi, tối nay lai rai với bố cho ấm cái bụng. Đỉnh Ngọc Linh đêm xuống lạnh lắm”.
Sau ly bia làm quen, già Lang kể, người dân Xê Đăng sống từng cụm lưng chừng ngọn núi nguyên sinh Ngọc Linh, cuộc sống hoàn toàn nhờ cậy vào thiên nhiên. Thức ăn lấy từ rừng, lúa gạo trồng trên nương rẫy. Mọi hoạt động đều tách biệt thế giới bên ngoài. Để tồn tại giữa rừng thiêng nước độc, chống lại các loại bệnh tật, dân làng có một cây thuốc rất đặc biệt, theo tiếng Xê Đăng gọi là củ Kang.
Củ Kang mọc thành đám dưới tán rừng, dọc theo các con suối trên nền đất nhiều mùn. Cây cao 30-50 cm, củ nhiều rễ, trên củ có nhiều mắt lõm vào thân và xếp so le nhau. Sau khoảng 3 năm nảy mầm từ hạt, cây ra hoa, quả chín màu đỏ. Đến mùa đông, lá và thân cây rụng xuống, đầu mùa xuân củ bắt đầu nẩy mầm phát triển thân cây. Củ Kang ban đầu nhai vị đắng, sau thì ngọt.
Từ đời này sang đời khác, người dân Xê Đăng lưu truyền một câu chuyện. Trong lần đặt bẫy thú giữa rừng sâu, một thợ săn chặt cây nứa vót nhọn giăng bẫy. Do sơ ý, nứa đâm vào cánh tay chảy nhiều máu. Thợ săn vơ vội củ, lá rừng, nhai nhỏ rồi đắp vết thương. Trong tích tắc, máu cầm hẳn. Lần sau bị chảy máu, người này tìm củ rừng hôm trước và phát hiện ra bài thuốc đặc biệt cho bản thân.
Bài thuốc sau đó được lan truyền trong cộng đồng. Mỗi khi đau ốm, cơ thể suy nhược, dân làng lấy củ Kang xắt lát rồi nấu nước uống, hoặc giã nhỏ hòa với nước sôi. Những năm chiến tranh, dịch sốt rét khiến nhiều người dân sống cạnh người Xê Đăng tử vong. "Biết chúng tôi có thần dược, họ đến nhờ vả, được dân làng cho uống và lành bệnh", già Lang kể tiếp.
Đến nay, chưa một ai xác định được thời gian nào thợ săn phát hiện ra củ Kang. "Nhưng hầu như nhà nào, từ già tới trẻ, cũng đều biết đến công dụng tuyệt vời của nó”, già Lang tự hào kể.
Là người dưới xuôi lên mở quán bán hàng tạp hóa ở làng Tắk Ngo, anh Lê Thanh Ân (39 tuổi, quê xã Bình Trị, huyện Thăng Bình) kể cách đây 2 tháng, một lần lên rừng trồng sâm không may giẫm phải bẫy chông đâm vào bàn chân sâu 5 cm.
“Tôi đang cầm củ sâm liền nhai nhỏ và đắp vào vết thương. Sau đó, không một giọt máu chảy ra. Ngạc nhiên hơn, vết thương nặng nhưng không bị nhiễm trùng, không phải đến bệnh viện chữa trị. Nó vừa cầm máu, vừa kháng khuẩn rất tốt”, anh Ân vừa nói, vừa giơ bàn chân phải lành lặn, không còn sẹo.
Tại làng Tu Cring, cách Tắk Ngo gần một ngày đi bộ, ông Hồ Văn Phiêu (51 tuổi) kể, do tục thả rông gia súc dưới nhà sàn, chúng phóng uế bẩn thỉu nên trẻ con Xê Đăng mắc bệnh đường ruột rất nhiều. Khi đau bụng, tiêu chảy, nếu dùng củ Kang giã nhỏ, pha với nước sôi uống thì hết đau. Thuốc có vị đắng, khi uống vào giun sán ký sinh trong đường ruột phải chui ra ngoài.
“Với đàn bà sau kỳ kinh nguyệt thường mất nhiều máu, phụ nữ Xê Đăng lên rừng hái lá về nấu uống. Mỗi lần như vậy, lượng máu bị mất được bù nhanh chóng. Ở đây chị em chẳng thua kém gì đàn ông, đều làm những công việc nặng”, ông Phiêu nói và cho hay vào mùa đông cây bắt đầu rụng lá, vì thế trước mùa cây “ngủ đông” người dân cắt lá phơi khô sử dụng.
Thiếu nữ Xê Đăng ăn củ Kang để có làn da trắng mịn, mái tóc đen dài. “Người già bệnh nặng trước lúc lâm chung có thể giã lấy nước cho uống để cầm cự thêm một ngày chờ con cháu về gặp mặt lần cuối”, ông Phiêu chia sẻ.
Nhiều già làng Xê Đăng sống trên núi Ngọc Linh khẳng định củ sâm Ngọc Linh được người bản địa phát hiện từ rất lâu và biết sử dụng dược chất để chữa bệnh. Có nhiều người đem củ sâm trong rừng già về chôn dưới đất, ngay dưới nhà sàn để chủ động trong việc chữa bệnh.
“Củ Kang rất quý, mọc trong rừng già cần phải bảo vệ, do đó người Xê Đăng không muốn truyền ra ngoài. Để người ngoài cộng đồng biết, họ sẽ lấy hết không có để dùng. Mỗi khi đi rừng phát hiện củ Kang to, người dân mang về cùng chia cho cả làng cất giữ chữa bệnh”, già Lang nói.
Giữ làm phương thuốc riêng, nhưng khi thấy người ngoài đến làng và bị ốm, người dân Xê Đăng lại đem củ Kang ra biếu. Thường thuốc biếu đã được chế biến, chứ dân làng tuyệt nhiên không tiết lộ thân, củ loại cây này.
Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ, bộ đội hành quân trên dãy Trường Sơn, qua những ngôi làng Xê Đăng. Lúc đó nhiều chiến sĩ bị bệnh sốt rét, sức khỏe suy nhược, người dân Xê Đăng vào rừng lấy củ Kang nấu nước cho uống trị thương và đều khỏe mạnh tiếp tục hành quân.
“Khi bộ đội rời làng, bà con tặng cho ít củ phơi khô mang theo phòng thân. Vì vậy củ Kang bị lộ ra ngoài và lan truyền. Năm 1973, cán bộ y tế về tận làng tìm hiểu và phổ biến cách sử dụng thuốc rộng rãi. Họ dặn bà con giữ bí mật loại cây này, tránh địch phát hiện và tên ‘thuốc Giấu’ có từ đó”, già Lang nhớ lại.
Ngọc Linh là núi cao nhất miền Trung Việt Nam, nằm trên dải Trường Sơn, thuộc địa phận tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Từ xa xưa ngọn núi này đã tồn tại rất nhiều cây thuốc quý, nổi bật nhất là sâm Ngọc Linh. Loài cây này hiện sinh sống ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Tu Mơ Rông (Kon Tum). Ngày 12/4, tại Lào Cai, chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành dược liệu vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, dù đã có một số cây dược liệu có tính chất hàng hóa như: nghệ, thảo quả, táo mèo, atiso và một số sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Riêng về sâm Ngọc Linh, Thủ tướng dẫn lời các nhà khoa học cho rằng dược tính của sâm nước ngoài không bằng sâm Ngọc Linh. VnExpress khởi đăng loạt bài về loài cây quý hiếm này. |
Đắc Thành