Nhu cầu khổng lồ từ thị trường Trung Quốc đẩy giá đông trùng hạ thảo (yarsagumba) lên cao, khiến các gia đình Nepal đổ xô săn lùng vô tội vạ loại dược liệu bổ thận tráng dương này, đẩy chúng đến nguy cơ cạn kiệt, theo Huffington Post.
Yarsagumba chứa các axit béo bão hòa, không bão hòa cùng nhiều loại vitamin, được Đông y Trung Quốc coi là "thần dược" có thể trị liệt dương, tăng cường sinh lực, trị bệnh khớp, ung thư và béo phì.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Pharmacognosy Review năm 2016 cũng khẳng định có bằng chứng cho thấy đông trùng hạ thảo có thể tăng cường sinh lực và hoạt động tình dục, trị liệt dương, vô sinh ở cả nam và nữ.
Với giá trị như vậy, đông trùng hạ thảo đang được người Trung Quốc săn lùng ráo riết, với giá mỗi kg có thể có giá 100.000 USD, đặc biệt là loại đông trùng hạ thảo tự nhiên trên dãy Himalaya.
Nhu cầu này khiến người dân Nepal đổ xô lên dãy Himalaya để khai thác triệt để "trùng thảo", từ cây lớn đến cây bé, khiến sản vật này đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Đông trùng hạ thảo có màu vàng xanh, khi trưởng thành dài từ hai đến ba cm, giống sâu vào mùa đông và giống cây vào mùa hè. Theo Earth Touch News, đông trùng hạ thảo nghĩa là "cỏ mùa hè, sâu mùa đông". Trung Quốc thường rút ngắn tên gọi này thành "trùng thảo".
Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo thực chất là loài nấm Ophiocordyceps sinensis sống ký sinh trên thân sâu bướm thuộc chi bướm ma Thitarodes. Nấm ăn mô của sâu, sau đó phát triển quả thể nhô lên mặt đất.
Ngoài con người, đông trùng hạ thảo còn phải đối mặt với nguy cơ từ biến đổi khí hậu. Nhiệt độ toàn cầu tăng lên và tuyết ở Himalaya giảm đi làm tổn thương môi trường sống và thu hẹp thời gian sinh sản của chúng.
Vòng đời của đông trùng hạ thảo
Vũ Phong (Video: Gross Science)