Syracuse, thành phố nằm ở ngoại ô bang New York, đang trở thành vùng đất hứa của Micron Technology. Hãng chip Mỹ đã lên kế hoạch cho một khu phức hợp sản xuất bán dẫn ở đây, dự kiến bắt đầu từ 2024.
Khu vực sắp xây phủ đầy tuyết và khí hậu không thuận lợi. Tuy nhiên, điều công ty đau đầu hơn là nguồn nhân lực phục vụ nhà máy. Tại Syracuse, dân số trong độ tuổi lao động đã giảm mạnh hai thập kỷ qua. Trong khi đó, nhà máy đòi hỏi kỹ sư và kỹ thuật viên có tay nghề cao, vốn không chỉ khan hiếm ở Syracuse mà còn ở quy mô toàn nước Mỹ.
Lãnh đạo thành phố cho biết ít nhất hai công ty bán dẫn khác cũng đã cân nhắc mở rộng nhà máy ở đây, nhưng từ bỏ sau khi đánh giá khu vực. Để khắc phục, chính quyền cố gắng vận động sinh con để chuẩn bị cho lực lượng lao động trẻ. Các trường đại học trên địa bàn đưa ra nhiều chính sách đào tạo hấp dẫn cùng cơ hội nghề nghiệp với mức thu nhập cao.
Micron là một trong những công ty sản xuất chip nhớ, RAM và thiết bị nhớ khác hàng đầu thế giới. Dự án xây dựng nhà máy là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm chuyển sản xuất về Mỹ, giảm phụ thuộc vào các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ.
Micron cho biết sẽ áp dụng một số ưu đãi của liên bang khi xây dựng nhà máy ở Syracuse. Nhà sản xuất hiện được hưởng lợi 5,5 tỷ USD trợ cấp của New York. Theo CEO Micron Sanjay Mehrotra, nhà máy khi được hoàn thiện sẽ là nơi làm việc của 9.000 công nhân chính thức, cùng 41.000 việc làm từ nhà thầu và đối tác.
Nhưng Syracuse lại đang gặp vấn đề sụt giảm dân số từ những năm 1970. Theo theo số liệu điều tra dân số Mỹ, số cư dân trong độ tuổi từ 25 đến 44 tại đây đã giảm 10% trong hai thập kỷ. Còn theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, lực lượng lao động ở khu vực này đã đạt đỉnh từ những năm 2000 và sau đó suy giảm, đến nay chưa thể phục hồi.
Micron là một trong hàng chục công ty bán dẫn lâu đời đang hoạt động tại Mỹ. Các đối thủ khác như IBM hiện đầu tư 20 tỷ USD vào khu vực Poughkeepsie gần Syracuse để mở rộng sản xuất bán dẫn, AI và điện toán lượng tử. Điều này khiến nguồn nhân lực càng bị cạnh tranh đáng kể. "Đây là một trong những nơi đặt các cơ sở sản xuất bán dẫn phức tạp nhất", Sujai Shivakumar, một cựu quan chức tại tại Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học quốc gia Mỹ, nhận xét.
Để chuẩn bị cho lực lượng lao động mới, Micron đang tích cực săn đầu người. April Arnzen, Giám đốc nhân sự của Micron, cho biết công ty có kế hoạch dài hơi bằng cách đầu tư vào trung tâm đào tạo địa phương, cung cấp cho mỗi đơn vị 10 triệu USD thực hiện các chương trình giảng dạy về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Bên cạnh đó, Micron cũng hợp tác với các trường cao đẳng và đại học tại địa phương để đảm bảo sinh viên sau khi ra trường sẽ làm việc cho công ty.
"9.000 nhân sự là một con số quan trọng. Việc hợp tác với các tổ chức là cách tốt nhất để chúng tôi mở rộng quy mô", Arnzen nói.
Một số đại học cũng sẵn sàng hỗ trợ Micron. Đại học Syracuse sẽ tăng 50% các chương trình đào tạo kỹ thuật bậc đại học và sau đại học trong vòng 3-5 năm tới. Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Khoa học Máy tính của Syracuse cũng lấy mảng bán dẫn để truyền thông về cơ hội nghề nghiệp của sinh viên sau ra trường.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ, nhu cầu kỹ sư tại nhà máy sản xuất bán dẫn dự kiến tăng 20% trong 5 năm tới, gây thêm áp lực cho ngành vốn có nhiều việc làm nhưng tuyển dụng khó khăn.
Ngoài ra, Micron cũng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch và suy thoái kinh tế. Sau Covid-19, nhu cầu chip lao dốc do doanh số máy tính, laptop, smartphone giảm. Tháng 12 năm ngoái, công ty thông báo cắt giảm 10% lực lượng lao động, điều chỉnh lương lãnh đạo cấp cao và đưa ra chiến lược nhằm thắt chặt chi tiêu.
Tuy nhiên, Scott Gatzemeier, Phó chủ tịch phụ trách mở rộng thị trường Mỹ của Micron, cho biết những vấn đề trên không thay đổi mục tiêu công ty ở Mỹ, gồm việc xây dựng nhà máy trăm tỷ USD ở ngoại ô New York. Ông tin nhu cầu chip sẽ tăng trở lại, khi nhà máy hoàn thành.
Bảo Lâm (theo WSJ)