PVFC là công ty tài chính đang mặc một chiếc áo quá chật khi thiếu nhiều công cụ của một ngân hàng để phát triển thì Western Bank lại là ngân hàng nhỏ, đi lên từ nông thôn và từng rơi vào cảnh thiếu thanh khoản. Một chuyên gia về mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Hà Nội cho rằng, so với các cuộc tái cơ cấu trước đây, thương vụ hợp nhất này khá nhiều khác biệt.
Bởi với những trường hợp sáp nhập trước, "bên mua" chỉ lấy được một chút lợi ích của "bên bán" còn nay PVFC trong vai trò là "người mua" đã lấy được rất nhiều. "PVFC sẽ có được tấm giấy phép trở thành ngân hàng, việc mà hiện nay khó như lên trời với tất cả mọi người", vị chuyên gia này nói.
Vụ hợp nhất sẽ mang lại cơ hội lớn cho cả 2 bên. |
PVFC có vốn điều lệ 6.000 tỷ, tổng tài sản cũng khoảng 90.000 tỷ đồng nhưng là một công ty tài chính, đơn vị này không thể huy động từ dân cư cũng như làm nghiệp vụ thanh toán. PVFC chủ yếu cho vay dự án tài chính dài hạn mà lại không có lượng vốn huy động thường xuyên từ dân cư, nguồn vốn chủ yếu trông chờ vào lượng tiền gửi từ các tổ chức, trong đó có tập đoàn dầu khí hoặc đi vay trên thị trường liên ngân hàng. "Nếu làm vậy thì không ăn thua, PVFC chẳng khác nào có tay mà không được sử dụng", một chuyên gia về kiểm toán phân tích.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cũng từng tham gia tái cơ cấu lại nhìn nhận mối lương duyên này là câu chuyện "rổ rá cạp lại" có lợi cho hai bên. Theo ông, một bên là ngân hàng đang khó khăn vớ được cọc, một bên là công ty tài chính vừa bị tập đoàn chủ quản (PetroVietnam) "thúc" giảm vốn sở hữu đã vậy còn mặc một chiếc áo quá chật.
Sau hợp nhất, ngoài giải quyết những câu chuyện trên của mỗi bên, nhiều người còn thấy điểm lợi lớn nhất là mạng lưới. Với quy mô của một ngân hàng vốn 9.000 tỷ, tổng tài sản ước khoảng gàn 106.000 tỷ đồng, nhà băng mới sau hợp nhất sẽ nằm trong Top 18 các ngân hàng lớn của hệ thống. Theo ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, việc hai đơn vị ở Bắc - Nam hợp nhất sẽ tạo thành một ngân hàng có nhiều cơ hội lớn.
Tại miền Bắc, PVFC dù là công ty tài chính nhưng lại có ưu thế trong tài trợ vốn cho các dự án và tổ chức kinh tế, hơn nữa công ty này cũng có thương hiệu của ngành dầu khí hỗ trợ. Bên cạnh đó, khi có đủ công cụ như một ngân hàng, PVFC sẽ dễ dàng vươn dài mạng lưới. Về phần mình, Western Bank dù không mạnh ở TP HCM nhưng theo ông Dũng, tại khu vực miền Tây tên tuổi của ngân hàng này được xem là rất uy tín. "Không phải nhà băng nào cũng chiếm được tình cảm của khách hàng miền Tây tốt như họ đâu", ông Dũng phân tích.
Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, khi quy mô, mạng lưới rộng hơn thì những rủi ro và phức tạp sẽ lớn theo. Một chuyên gia phân tích tài chính khuyến cáo: "Hãy cẩn thận để tránh việc quy mô to hơn thì cục nợ cũng bự hơn". Theo ông, đây là hình thức sáp nhập đặc biệt giữa PVFC - không phải ngân hàng - và Western Bank nên có thể sẽ có một số điểm không khớp khi hợp nhất về nguyên tắc, tổ chức và văn hóa... "Nếu không giải quyết được việc này sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề. Bản thân PVFC cũng còn nhiều khó khăn khi Chính phủ yêu cầu Petro Vietnam thoái vốn. Đương nhiên khi tự bơi thì sẽ có nhiều thách thức", vị này nhìn nhận.
Không đồng tình lắm với quan điểm này, giám đốc một công ty kiểm toán quốc tế độc lập thì cho rằng chính việc cả hai đều là những đơn vị vừa tầm, thậm chí như Western Bank - một ngân hàng nhỏ đi lên từ nông thôn - sẽ là một trong những ưu thế lớn. "Tôi thì nghĩ do cả hai cùng nhỏ nên khi tái cơ cấu sẽ dễ dàng hơn và giúp việc dọn dẹp nợ xấu tốt hơn", ông nói.
Bản thân một lãnh đạo cấp cao của PVFC cũng từng chia sẻ với VnExpress.net rằng, công ty tài chính này lựa chọn Western Bank là đối tác một phần vì đây là một ngân hàng nhỏ. "Vì nhỏ nên rất dễ làm sạch nó và đến nay, mọi chỉ tiêu tài chính của Western Bank đều rất tốt và an toàn", vị này nói.
Tuy nhiên, những thách thức cũng đã được chính những người trong cuộc nhận thấy khá rõ, thể hiện ở một loạt những "đề nghị" của hai bên về hỗ trợ thanh khoản, xóa nợ xấu, miễn thuế, ưu tiên dự trữ bắt buộc trong đề án hợp nhất. Cụ thể, PVFC và Western Bank xin Ngân hàng Nhà nước và Petro Vietnam hỗ trợ tới 37.000 tỷ đồng cho việc thanh khoản và các vấn đề sau hợp nhất. Ngoài ra, PVFC cũng muốn "xóa" hơn 2.800 tỷ đồng nợ xấu của hai "quả đấm thép" Vinashin và Vinalines sau khi hợp nhất để dễ vận hành ngân hàng mới sạch sẽ hơn. Bên cạnh đó, để ngân hàng mới sớm khắc phục khoản lỗ phát sinh trước khi tái cơ cấu, xin chỉ chịu tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng một phần năm so với quy định và được duy trì dự trữ bắt buộc 50% bằng tiền mặt, 50% bằng các giấy tờ có giá.
Một chuyên gia bình luận: "Nếu so với các điều kiện đặc quyền mà các thương vụ tái cơ cấu trước đây như SHB - Habubank hay vụ hợp nhất Tín Nghĩa, Đệ Nhất, SCB thì thương vụ này đưa ra nhiều đề xuất hơn. Điều này cho thấy bản thân hai bên cũng hiểu việc hợp nhất không phải dễ dàng và còn rất nhiều khó khăn phía trước".
Thanh Thanh Lan