Ngày 16/10, truyền hình NHK Nhật Bản phát sóng phóng sự: "Việt Nam - Ngôi sao đang lên của châu Á".
Công ty TNHH Linh kiện Nhựa VinFast - An Phát (VAPA) và những bước tiến của doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp tự động, công nghiệp hỗ trợ như một điểm sáng trong bức tranh tổng thể này.
VAPA được thành lập theo hợp đồng hợp tác liên doanh giữa Công ty VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) và Tập đoàn An Phát Holdings để cùng bắt tay sản xuất linh kiện nhựa ôtô, xe máy.
Đại diện VAPA cho biết hiện tại, doanh nghiệp đủ năng lực cung cấp bộ linh kiện nhựa cho khoảng 250.000 ôtô và 500.000 xe máy một năm. Bên cạnh linh kiện nhựa cho ôtô, xe máy đang cung cấp cho VinFast, VAPA sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển sản xuất thêm nhiều linh kiện nhựa đáp ứng nhu cầu của các khách hàng khác nhau.
Ông Đinh Xuân Cường - Tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings - cho biết thị trường phụ kiện ôtô trong thời gian tới sẽ phát triển rất nhanh. Tập đoàn không muốn bỏ lỡ cơ hội phát triển sản xuất lĩnh vực này. "Mục tiêu của chúng tôi là trở thành tập đoàn sản xuất nhựa công nghiệp phụ trợ hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực ôtô, xe máy và điện tử", ông Đinh Xuân Cường nói.
Hiện nay, trong ngành công nghiệp hỗ trợ, Công ty Nhựa Hà Nội (HPC) và An Trung Industries và VAPA thuộc An Phát Holdings... là những công ty có nhà máy được đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc phụ trợ hiện đại, công suất lớn, nhập khẩu từ các đối tác lớn trên thế giới. Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội là một trong những doanh nghiệp Việt sớm lọt vào chuỗi sản xuất toàn cầu, hợp tác với các tên tuổi uy tín như Toyota, Honda, Samsung, Brother, LG, Panasonic...
CEO Đinh Xuân Cường kỳ vọng, với sự nghiêm túc, đầu tư bài bản, các công ty Nhựa Hà Nội, An Trung Industries thuộc An Phát Holdings nói chung và VAPA nói riêng, Tập đoàn An Phát Holdings hoàn toàn có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI trong ngành ôtô xe máy, khẳng định tên tuổi trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để thực sự có những bước tiến dài, Tập đoàn An Phát Holdings còn phải tiếp tục mở rộng đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo thành một chuỗi công nghiệp nhựa khép kín, chất lượng cao để tiến sâu hơn vào thị trường công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế cao và ổn định. Đây là điểm đến yêu thích của các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, cùng với sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng vào Việt Nam, sẽ mở ra một thị trường rộng lớn tiềm năng cho các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước.
Chia sẻ với thêm về vấn đề này, ông Đinh Xuân Cường cho biết, để thực sự góp mặt, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà cung cấp phụ trợ phải đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng về máy móc thiết bị; quy trình sản xuất - bảo quản linh kiện; quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Các nhà cung ứng còn phải bảo đảm tiến độ giao hàng, chất lượng ổn định cùng giá thành ở mức tối ưu. Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về trách nhiệm với xã hội...
Theo ông Cường, muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, sự nỗ lực phát huy nội lực của riêng từng doanh nghiệp là chưa đủ. Để tăng sức mạnh tổng lực, cần có những cái bắt tay của doanh nghiệp ôtô và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược nội địa hóa ôtô cùng với chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ sẽ mở ra cơ hội lớn của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cùng bứt phá.
"Tôi tin rằng mô hình bắt tay giữa công ty sản xuất ôtô và công nghiệp phụ trợ như VinFast đang tiến hành là hướng đi tốt, thúc đẩy sự phát triển chung của công nghiệp và mở rộng chuỗi giá trị", ông Cường nhấn mạnh.
Thư Kỳ