Đã gần 60 năm trôi qua kể từ khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của nhân loại mang tên Sputnik 1, mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ rộng lớn. Từ đó đến nay, con người đã đặt chân lên bề mặt Mặt Trăng, đưa thiết bị tự hành lên hành tinh đỏ hay phóng các thiết bị thăm dò hiện đại nhất nhằm giải mã bí ẩn của hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, với chi phí khổng lồ, ngành công nghiệp vũ trụ cơ hồ chỉ dành riêng cho chính phủ đầu tư.
Những năm gần đây, các tập đoàn lớn SpaceX hay Virgin Galactic bắt đầu thương mại hóa hoạt động khám phá vũ trụ, với chi phí lên đến 13 tỷ USD trong thập kỷ qua. Họ đưa ra ý tưởng khai thác tài nguyên Mặt Trăng, du lịch trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất hay hành trình lên sao Hỏa, hy vọng rằng một ngày nào đó con người sẽ có những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt với cuộc sống hiện tại. Theo báo cáo hồi tháng trước, căn cứ trên Mặt Trăng có thể hoàn thành khoảng năm 2030 và các nhà đầu tư tư nhân sẽ cùng tham gia xây dựng.
Chad Anderson là giám đốc điều hành hoạt động châu Âu tại mạng lưới SAN, chuyên kết nối các nhà đầu tư tiềm năng cho hoạt động thương mại hóa ngành công nghiệp vũ trụ.
"Đây là một ngành công nghiệp chưa được hình dung cụ thể. Điều đó có nghĩa rằng giới đầu tư hiện nay thực sự có thể đưa ra định hướng. Năm 2012, chúng tôi có 20 nhà đầu tư và giờ đây con số này là 60," Anderson nói, nhấn mạnh rằng tất nhiên một số lĩnh vực đã được thiết lập.
Hiện nay, ngành công nghiệp này có giá trị ước tính khoảng 300 tỷ USD, phần lớn chi cho phát triển vệ tinh và trung tâm phóng. Đây là thị trường mà các tổ chức thương mại lớn coi là cơ hội kinh doanh khả thi.
Ngoài ra, đầu tư tư nhân còn nhắm đến những mục tiêu mạo hiểm hơn như khai thác hay du lịch không gian. Anderson gọi đây là các dự án "bầu trời đen" và cho rằng 80% đối tượng cá nhân lựa chọn con đường này.
Tham vọng và rủi ro
Dylan Taylor là người đặt vé cho chuyến đi lên rìa không gian do tổ chức World View Enterprises phát triển, với mong muốn chứng kiến sự phát triển của ngành thay vì để kiếm tiền. Ông cũng đầu tư cho dự án Golden Spike, đứa con tinh thần của một nhà khoa học, chuyên cung cấp dịch vụ vận tải thương mại tư nhân lên Mặt Trăng.
Một số ý kiến cho rằng các nhà đầu tư tương lai vẫn cần suy nghĩ thận trọng trước khi quyết định hỗ trợ cho dự án mạo hiểm. Tuy nhiên, Anderson khẳng định rằng lợi nhuận tiềm năng có thể khiến những khoản đầu tư trở nên hấp dẫn.
Trên thực tế, một số lĩnh vực khác lạ đã tạo ra nguồn doanh thu. Công ty Planetary Resources của Mỹ kiếm tiền qua các hợp đồng khai thác khoáng sản từ thiên thạch. Với thông điệp đơn giản, Planetary Resources tin rằng nguồn vật liệu có giá trị kinh tế cao hiện tồn tại trong vành đai tiểu hành tinh và đủ để đem lại lợi ích cho Trái Đất.
Các chuyến bay có người lên vũ trụ cũng là một lĩnh vực được quan tâm, dù chưa thể chắc chắn rằng việc đầu tư liệu có hoàn toàn khôn ngoan. Khoảng 1.000 người đã đặt vé để được lên các phương tiện bay thương mại, nhưng rất khó để biết rằng liệu họ có thực sự phù hợp với môi trường khác Trái Đất, hay có thể đại điện cho thị trường du lịch không gian thương mại hay không.
Giới chuyên gia nhận định rủi ro, thành công hay thất bại đều có khả năng xảy ra. Mặc dù vậy, Taylor tin rằng tiềm năng của công nghiệp vũ trụ vẫn đầy hứa hẹn và sớm đạt giá trị 10% trong nền kinh tế thế giới.
Thùy Linh (theo BBC)