Chiều 20/3, ông Đinh La Thăng khai trong đề án thực hiện thí điểm thành lập tập đoàn hoạt động đa ngành nghề, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) dự kiến thành lập ngân hàng với tên ban đầu là Hồng Việt, vốn khoảng 5.000 tỷ đồng. Bộ máy nhân sự chừng 100 người đã chuẩn bị, cơ sở vật chất đã đầu tư. Sau khi không được thành lập ngân hàng Hồng Việt, PVN đứng trước thách thức phải tìm được ngân hàng để đầu tư song phải chấp nhận mua bộ máy của Hồng Việt với giá thấp.
Các lãnh đạo PVN đã gặp bàn bạc với nhiều ngân hàng song không hiệu quả cho tới khi phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn nói có Oceanbank phù hợp. Ông Thăng khi đó thấy mừng và bảo mời ngay chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm đến gặp.
>> Ông Đinh La Thăng xin nhận trách nhiệm toàn bộ thay cấp dưới
Theo ông Thăng, có đầu tư của PVN, Oceanbank phát triển nhanh chóng. Giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương năm 2011 từng báo cáo Oceanbank xếp loại A - ngân hàng bán lẻ tốt nhất.
Ông Thăng khai tất cả các quyết định góp vốn của PVN vào Oceanbank đều căn cứ "văn bản chỉ đạo" của cấp trên. Việc đầu tư vào ngân hàng đã được Thủ tướng chấp thuận. "Chính phủ còn giao Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn PVN thực hiện", ông nói và cho rằng trách nhiệm tuân thủ pháp luật của PVN là "điều đương nhiên".
"Nếu việc đầu tư này có vấn đề gì thì các cơ quan nhà nước hoặc Chính phủ phải ‘thổi còi’ nhưng thực tế đã không có sự phản đối nào", cựu chủ tịch HĐQT PVN khai.
Đối chất với ông Thăng, nhân chứng Hà Văn Thắm khẳng định PVN đưa ra yêu cầu quan trọng nhất là nếu đổ vốn thì Oceanbank phải tiếp nhận toàn bộ nhân viên trong bộ máy trù bị thành lập ngân hàng Hồng Việt. Điều kiện thứ hai là Oceanbank phải bán cổ phần giá thấp cho PVN.
Ông Thăng xin nhận trách nhiệm thay cấp dưới
Ông Thăng khai trong lần góp vốn thứ ba của PVN vào Oceanbank đúng thời điểm ông đi công tác dài hạn nên ủy quyền điều hành cho ông Nguyễn Xuân Thắng và Hoàng Xuân Hùng - hai thành viên Hội đồng thành viên PVN. Trong thời gian này, ông Thắng ban hành nghị quyết góp thêm 100 tỷ đồng vào Oceanbank. Ông Thăng nói không biết nghị quyết đó mãi cho tới thời gian dài về sau.
Trong chiều nay, ông Thăng trình bày “sẵn sàng nhận toàn bộ trách nhiệm thay" hai ông này cùng những người khác có liên quan. Ông Thăng nói các cơ quan nhà nước đều biết việc góp vốn đợt 1-2 vào Oceanbank là đúng quy định pháp luật, riêng đợt ba là trái luật vì thời điểm đó Luật các tổ chức tín dụng mới có hiệu lực. Hơn nữa, ông lại không biết gì về đợt ba này.
Trước câu hỏi của luật sư: Vì sao vẫn chấp nhận để PVN chiếm 20% vốn của Oceanbank năm 2011, trong khi luật chỉ cho phép 15%, ông Thăng khai việc này thực hiện theo "chủ trương từ trước" chứ không phải là ký thêm đợt ba khiến nâng tỷ lệ lên 20%. Hơn nữa, PVN muốn thoái vốn phải có sự đồng ý của Thủ tướng.
Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng ký Thỏa thuận tham gia góp vốn 800 tỷ đồng với cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm nhưng không thông qua HĐQT. Ông Thăng bị cáo buộc dù được báo cáo năng lực yếu kém của Oceanbank song vẫn ký ban hành Nghị quyết góp vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng. Ông cũng không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính về đảm bảo các điều kiện về góp vốn.
Luật tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…” nhưng ông Thăng không thực hiện việc thoái vốn để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15% mà tiếp tục ký quyết định giao bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank.
Cáo trạng cho rằng việc này tạo điều kiện cho các thuộc cấp của ông là Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt ba) vào Oceanbank.
Hậu quả, toàn bộ 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.