Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, rất nhiều nhà kinh tế học và nhà hoạch định chính sách cho rằng thế giới sẽ trở thành một nền kinh tế hạnh phúc, thịnh vượng. Các nước đang ngày càng gắn kết với nhau nhờ thương mại, tài chính và Internet. Dĩ nhiên cũng có những bước lùi, như khủng hoảng tài chính 2008, nhưng toàn cầu hóa vẫn đang diễn ra và hội nhập là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng thế giới đang nảy sinh một rào cản đe dọa việc này. Đó không phải là Tổng thống Mỹ - Donald Trump, Brexit hay khủng bố, mà là Trung Quốc.
Nhìn vào các xu hướng gần đây tại Trung Quốc và quan hệ của nước này với Mỹ cũng như các quốc gia phát triển khác, giới quan sát dự báo sự chia rẽ sẽ ngày một sâu sắc. Kinh tế toàn cầu có thể chia thành 2 phần khổng lồ - một có trung tâm là Mỹ và EU, một xoay quanh Trung Quốc.
Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước này - Tập Cận Bình cam kết mở cửa hơn nữa với các công ty nước ngoài, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của họ.
“Trung Quốc sẽ không đóng cửa với thế giới, mà chỉ ngày càng cởi mở hơn”, ông cho biết. Trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đầu năm nay, ông Tập cũng tạo dựng hình ảnh một lãnh đạo ủng hộ thương mại tự do, là chính trị gia quốc tế, sẵn sàng nhận nhiệm vụ dẫn dắt giải quyết các vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu. Việc này hoàn toàn trái ngược với quan điểm “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ - Donald Trump.
Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng vấn đề với phiên bản toàn cầu hóa của ông Tập, là ông muốn kiểm soát nó. Thay vì đưa Trung Quốc vào trật tự thế giới hiện có, họ lại tạo ra một khối kinh tế độc lập, với nhiều doanh nghiệp và công nghệ thống trị, nhưng được kiểm soát bởi các quy tắc của Bắc Kinh.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực phát triển công nghệ riêng và hỗ trợ các công ty cạnh tranh với phương Tây trong mọi lĩnh vực, từ robot đến xe điện. Tham vọng của Bắc Kinh thể hiện rất chi tiết trong chương trình “Made in China 2025”. Họ sẽ dùng các khoản hỗ trợ hào phóng để đưa các doanh nghiệp trong nước lên đẳng cấp quốc tế, có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Dù vậy, chiến lược của Trung Quốc không dễ thực hiện. Họ có thể thành công trong việc đẩy bật các đối thủ ngoại ra khỏi đất nước, nhưng cũng khó thu hút khách hàng nước ngoài. Với mác hàng kém chất lượng và ít lợi thế công nghệ, các thương hiệu Trung Quốc sẽ khó thay thế hàng hóa tên tuổi tại các thị trường lớn. Mối lo an ninh cũng có thể khiến các công ty ngoại ngần ngại mua chip và thiết bị IT sản xuất tại đây.
4 hãng smartphone hàng đầu Trung Quốc hiện chiếm hai phần ba thị trường trong nước, nhưng tổng thị phần ở nước ngoài chỉ chưa đầy 15%, theo Strategy Analytics. Bên cạnh đó, dù ngành ôtô được hỗ trợ rất mạnh tay, số xe Trung Quốc xuất khẩu được năm 2016 thậm chí ít hơn 2014.
Phương Tây cũng đang dần rút khỏi Trung Quốc. Doanh nghiệp Mỹ ngày càng than phiền về môi trường kinh doanh tại đây. Khảo sát mới nhất của Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho thấy chỉ 56% thành viên đưa thị trường này vào top 3 ưu tiên đầu tư, giảm mạnh so với 78% năm 2012.
Trung Quốc dĩ nhiên không muốn bị cô lập. Bắc Kinh đã tạo ra hàng loạt tổ chức và quy tắc tương tự phương Tây, nhằm củng cố sức mạnh kinh tế của quốc gia. Họ sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) - đối chọi với Ngân hàng Thế giới (WB). Trung Quốc cũng đưa ra sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ “Vành đai, Con đường”, nhằm kéo các nền kinh tế châu Á và châu Âu về gần mình hơn. Những dự án này có thể được tài trợ bởi các ngân hàng Trung Quốc và do các công ty nước này thực hiện.
*Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc
Washington chắc chắn sẽ đấu tranh để giữ hệ thống kinh tế toàn cầu hiện tại. “Chúng tôi sẽ không chùn bước trước thách thức từ Trung Quốc”, Ngoại trưởng Mỹ - Rex Tillerson cho biết trong một bài phát biểu tháng 10 năm ngoái.
Bloomberg cho rằng sự chia rẽ giữa Trung Quốc và phương Tây có lẽ không bao giờ trở nên cực đoan như thời kỳ Chiến tranh lạnh. Người Trung Quốc sẽ vẫn uống Starbucks và đi giày Nike, còn người Mỹ vẫn sẽ dùng hàng Trung Quốc bán trong Walmart.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng, và Mỹ - châu Âu nỗ lực bảo vệ doanh nghiệp, công nghệ và các tổ chức, khoảng cách sẽ ngày một nới rộng. Các nước có vấn đề với phương Tây, như Nga, sẽ hướng về Trung Quốc nhiều hơn. Còn những nước lo ngại về quyền lực của Trung Quốc, như Ấn Độ hay Nhật Bản, có thể tiến dần về Mỹ.
Sự chia rẽ này sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng lên kinh tế toàn cầu. Các công ty sẽ khó tiếp cận thị trường chủ chốt, lợi nhuận giảm sút, năng suất và việc làm cũng chịu ảnh hưởng. Nếu bị cô lập khỏi các thị trường và công nghệ cần thiết, Bắc Kinh có thể gặp khó trong việc nâng thu nhập của 1,4 tỷ dân.
Bắc Kinh có thể sẽ nhận ra họ nên hỗ trợ trật tự hiện tại, hơn là phá vỡ nó. Việc hội nhập với thế giới đã trở thành động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc từ thập kỷ 80. Mỹ và các đồng minh có thể giảm bảo hộ và tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh trong việc hội nhập với trật tự hiện tại. Vì nếu một bức tường mới được dựng lên trên thế giới, tất cả đều là kẻ thua cuộc.
Hà Thu (theo Bloomberg)