Hôm 9/8, startup xe tự hành WeRide của Trung Quốc thông báo đang nhắm định giá 5,02 tỷ USD trong đợt chào bán cổ phiếu công khai lần đầu trên sàn Nasdaq của Mỹ sắp tới. Nổi tiếng với taxi, xe tải, xe buýt và xe quét đường tự hành, tức có thể tự di chuyển mà không cần tài xế điều khiển, công ty đặt mục tiêu huy động 119,4 triệu USD trong đợt IPO bằng cách chào bán 6,45 triệu cổ phiếu ký quỹ với mức giá từ 15,5-18,5 USD.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư còn đồng ý mua lượng cổ phiếu trị giá 320,5 triệu USD của WeRide trong đợt chào bán riêng lẻ đồng thời. Họ gồm quỹ đầu tư mạo hiểm Alliance Ventures B của Renault Nissan Mitsubishi Alliance và JSC International Investment Fund SPC, cùng nhiều quỹ khác. Nhà cung cấp ôtô Đức Robert Bosch cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc mua khoảng 100 triệu USD cổ phiếu WeRide trong đợt IPO.
Hướng đến định giá 5 tỷ USD nhưng WeRide là một startup chỉ 7 năm tuổi. Công ty được thành lập vào năm 2017 bởi Tony Han, cựu kỹ sư trưởng tại bộ phận xe tự lái của Baidu cùng một nhóm chuyên gia về trí tuệ nhân tạo. Họ tập trung vào việc phát triển các giải pháp xe tự hành cho các thành phố lớn Trung Quốc.
WeRide nổi bật trong ngành bởi phát triển được công nghệ tự lái cấp độ 4 (L4), theo tiêu chuẩn toàn cầu SAE International. Để dễ hiểu, hầu hết phương tiện thông minh ở Trung Quốc được phân loại là L2 hoặc L2+, quy định có tài xế cảnh giác và sẵn sàng can thiệp bất cứ lúc nào.
Ở cấp L3, tài xế được phép không dùng tay trên vô lăng và rời mắt khỏi đường trong một số điều kiện giao thông nhất định. Đến L4, xe có thể tự vận hành mà không cần sự can thiệp của con người trong hầu hết tình huống.
Vào tháng 11/2018, tức lúc chỉ một năm tuổi, WeRide hợp tác với Guangzhou Baiyun Taxi Group ra mắt taxi tự hành (robotaxi) đầu tiên của Trung Quốc. Đến 2019, dịch vụ robotaxi thương mại đầu tiên nước này chính thức đón khách tại Quảng Châu. WeRide sau đó mở rộng đến nhiều thành phố khác và bắt đầu thử nghiệm khả năng tự hành cho xe buýt, xe van và thậm chí cả xe quét đường.
Để dùng dịch vụ robotaxi WeRide, khách đặt xe thông qua ứng dụng và biết trước cước phí. Khi robotaxi đến điểm đón, hành khách cần xác minh danh tính bằng cách quét mã QR để lên xe. Xe có thể phục vụ 1-3 hành khách cùng lúc, thường hoạt động từ 9h đến 17h, di chuyển quanh các điểm đến phổ biến như các ga tàu điện ngầm, khu dân cư, trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng.
Tiên phong trong ngành nên khi mới thử nghiệm robotaxi ở Quảng Châu và Trịnh Châu vào tháng 6/2021, WeRide đã nhận được 310 triệu USD từ liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi và Quỹ cải cách cơ cấu Trung Quốc, đạt định giá 3,3 tỷ USD. Sau đó, họ nhận thêm đầu tư chiến lược từ Guangzhou Automobile.
Đến nay, startup này đang thử nghiệm và thí điểm thương mại tại 30 thành phố trên 7 quốc gia. Thị trường quốc tế nổi bật của họ là UAE. Tháng 11/2021, họ ra mắt dịch vụ robotaxi trên đảo Yas và đảo Saadiyat ở Abu Dhabi. Cho đến cuối năm ngoái, dịch vụ hoàn thành gần 20.000 chuyến đi tại đó.
Đầu tháng 7/2024, Thủ tướng UAE cấp giấy phép thử nghiệm xe tự hành đầu tiên của UAE cho WeRide. Đây là giấy phép dịch vụ xe tự hành cấp quốc gia đầu tiên ở Trung Đông và thậm chí trên thế giới. Đến nay, startup này đã có giấy phép lái xe tự hành tại Trung Quốc đại lục, Mỹ, UAE và Singapore.
Tuy nhiên, con đường phát triển của WeRide không dễ dàng. Các công ty xe tự hành ở Trung Quốc đến nay đều lỗ. Bản thân WeRide cũng thừa nhận điều này trong bản cáo bạch của mình. Năm ngoái, họ lỗ ròng 1,9 tỷ nhân dân tệ (262 triệu USD), tăng từ mức lỗ 1,3 tỷ nhân dân tệ hồi 2022, vì chi phí lớn cho nghiên cứu và phát triển. Doanh thu năm ngoái đạt 401,8 triệu nhân dân tệ, giảm 24% so với 2022.
Nửa đầu năm nay, doanh thu tiếp tục giảm còn lỗ vẫn tăng. Cụ thể, công ty báo cáo doanh thu đạt 150,3 triệu nhân dân tệ trong 6 tháng, so với 182,9 triệu nhân dân tệ của cùng kỳ. Lỗ ròng tăng từ 723,1 triệu nhân dân tệ cùng kỳ lên 881,7 triệu nhân dân tệ (123,04 triệu USD).
Doanh thu WeRide chủ yếu đến từ việc bán các loại xe L4 cũng như dịch vụ hỗ trợ L4 và dịch vụ hỗ trợ lái xe tiên tiến. Nói trên tờ Yicai, Nhà sáng lập Tony Han cho biết sẽ liên tục đột phá công nghệ và mở rộng thị trường để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, nhằm huy động vốn.
"Thứ hai, đạt được khả năng tự túc (về tiền) là điều quan trọng. Điều này bao gồm duy trì giá trị khách hàng, dòng tiền dương, tập trung vào lợi nhuận vốn và đảm bảo tăng trưởng có lợi nhuận", ông nói.
Thách thức tiếp theo là pháp lý. Trong bản cáo bạch của mình, công ty cảnh báo rằng phải đối mặt với "nhiều rủi ro và bất ổn về mặt pháp lý và hoạt động" tại Trung Quốc đại lục. Thị trường nước ngoài cũng không dễ chinh phục.
Trong khi Trung Quốc có những động thái tích cực để bật đèn xanh cho các thử nghiệm robotaxi thì dự kiến chính quyền Biden sẽ đề xuất cấm phần mềm Trung Quốc trong các phương tiện tự hành tại Mỹ. Nước này cũng rất cảnh giác với dịch vụ này, đã tước giấy phép đơn vị robotaxi của General Motors năm ngoái.
Tony Han thừa nhận không có phương tiện giao thông nào an toàn 100%. Theo ông, cần thời gian để được chấp nhận, tương tự quá trình chuyển đổi từ xe ngựa sang ôtô. Ban đầu, ôtô được coi là kém an toàn hơn nhưng cuối cùng cho thấy điều ngược lại.
"Chúng ta nên so sánh tỷ lệ tai nạn của xe do con người lái với xe tự hành. Dữ liệu sơ bộ cho thấy xe tự hành an toàn hơn. Chúng ta đang ở một bước ngoặt với xe tự hành", Tony Han nói. Ông dự đoán dịch vụ sẽ được chấp nhận hơn vào giai đoạn 2025 - 2028.
Và không chỉ đau đầu với các quy định, WeRide đặc biệt chịu sự cạnh tranh gay gắt từ hàng loạt đối thủ ngay tại Trung Quốc. Có ít nhất 19 thành phố nước này đang thử nghiệm robotaxi và xe buýt tự hành (robobus). Trong đó, 7 thành phố đã phê duyệt các thử nghiệm L4 của ít nhất 5 công ty đầu ngành gồm WeRide, Apollo Go, Pony, AutoX và SAIC Motor.
Đây đều là các startup được hậu thuẫn lớn. AutoX đứng sau bởi Alibaba, đang hoạt động tại các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải. Apollo Go tuyên bố vào tháng 5 rằng có kế hoạch triển khai 1.000 robotaxi tại Vũ Hán trước cuối năm. Pony, với sự hậu thuẫn từ Toyota, đang vận hành 300 robotaxi và dự định bổ sung thêm 1.000 chiếc vào 2026.